MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội phong toả nơi ở của 2 ca F2 thành F0 tại thôn Lỗ Giao (Việt Hùng, Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Tùng Giang

Dịch COVID-19 lây lan tốc độ cao: Vì sao 2 F2 thành F0 ở Hà Nội?

Hà Phương - Tùng Giang LDO | 30/04/2021 19:24

Liên quan đến 2 trường hợp từ F2 thành F0 đang làm việc tại các khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã chỉ ra nguyên nhân và giải pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Nguyên nhân F2 nhanh chóng chuyển thành F0

Theo Sở Y tế Hà Nội, thành phố đã ghi nhận 3 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp từ F2 đã chuyển thành F0 đang làm việc tại các khu công nghiệp Thăng Long có nhiều lao động tiếp xúc, dự báo khả năng có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới.

Trao đổi với Lao Động bên lề phiên họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội với các quận, huyện, thị xã; xã, phường thị trấn về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho biết: "Bản chất con đường lây lan của dịch bệnh COVID-19 phần lớn là qua tiếp xúc gần với thời gian, tốc độ lây lan nhanh.

Do đó sẽ không mất nhiều thời gian từ F1 để chuyển thành F0 và F2 cũng nhanh chóng chuyển thành F0. Hiện nay, các ca bệnh có thể có dấu hiệu và cũng có những ca bệnh không có dấu hiệu".

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp. Ảnh: Tùng Giang

Chia sẻ thêm về khả năng lây lan dịch bệnh, ông Phu cho hay, đối với các trường hợp có dấu hiệu, triệu chứng như ho, sốt, khó thở... nguy cơ và khả năng sẽ lây lan mạnh hơn. Hiện nay, nhiều người nhiễm chủng virus không hề xuất hiện triệu chứng nhưng tốc độ lây lan bệnh vẫn nhanh. Đặc biệt, khi chúng ta chủ quan, lơ là thì tốc độ lây lan là vô cùng khủng khiếp.

Không có đợt dịch nào giống đợt dịch nào

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định: "Công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội đã làm tốt, làm đúng hướng. Tuy nhiên, Hà Nội cần thống nhất lại quan điểm vì không có đợt dịch nào giống đợt nào, đặc biệt đợt này đúng dịp nghỉ lễ".

Trong thời gian qua, những ổ dịch ở Việt Nam phần lớn đều liên quan đến chủng lây lay lan nhanh. Ổ dịch tại Hà Nam cũng có thể liên quan đến chủng này. Có thể thấy rằng, đợt này nguy cơ rất cao vì liên quan dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5.

Nhu cầu đi lại dịp nghỉ lễ tăng mạnh cộng với nhiều ca bệnh không xuất hiệu triệu chứng sốt, ho... Chính vì vậy, tất cả mọi người cần chú ý, không lơ là, vì tốc độ lây lan nhanh, chỉ cần vài ngày là kích hoạt lên. Hơn nữa, dịch bùng phát không chỉ lây lan qua đường biên giới, mà là từ con đường nhập cảnh hợp pháp, ông Phu thông tin thêm.

Truy vết khó cũng phải làm!

Về đề xuất giải pháp, chuyên gia Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Việc kiểm soát được dịch bệnh phụ thuộc vào công tác quản lý, thái độ của người dân. Phát hiện truy vết hết các F0, F1, F2, khó cũng phải làm, bởi đây là công tác rất quan trọng và phải thực hiện nhanh.

Khu vực phong toả luôn trong tình trang “nội bất xuất, ngoại bất nhập". Ảnh: Tùng Giang

Nếu khả năng lây lan nhanh, có thể chỉ từ 1 sẽ nhân lên rất nhiều ca bệnh. Tiến hành khoanh vùng theo truy vết, điều tra dịch tễ, càng nhanh càng tốt và không để ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, ông Phu lưu ý, việc xét nghiệm trên diện rộng như ở địa phương xảy ra dịch thì phải xét nghiệm toàn bộ thôn, xã, nếu nắm bắt được kịp thời, chúng ta có thể phát hiện các trường hợp sốt, có dấu hiệu tương tự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn