MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kiểm soát chặt chẽ thịt heo tại các chợ đầu mối để đảm bảo thịt an toàn

Dịch tả lợn châu Phi áp sát, TPHCM ngưng nhập heo nhiều nơi

Kim Đồng LDO | 10/05/2019 16:04

TPHCM đã triển khai nhiều biện pháp đối phó dịch tả lợn châu Phi, trong đó có việc ngưng nhập lợn từ 4 xã có phát sinh dịch tại 2 huyện là Trảng Bom và Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai.

Ngưng nhập lợn từ 4 xã phát dịch…

Chiều 10.5, trao đổi với PV Lao Động, ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM - cho biết, TP đã ngưng nhập heo từ 4 xã của tỉnh Đồng Nai sau khi tỉnh này công bố dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể là tại xã Bình Minh, xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom), xã Phước Thiền và xã Hiệp Thành (cùng thuộc huyện Nhơn Trạch).

Điểm tiêu hủy heo tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đằng, ấp Tân Đạt, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Hà Anh Chiến

Ngoài ra, TP.HCM và Đồng Nai đã thống nhất tuyến đường vận chuyển lợn về TP HCM giết mổ chỉ đi qua 2 tuyến quốc lộ 1A và 1K, trình phúc kiểm, tiêu độc khử trùng tại trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức và Xuân Hiệp. Đối với các trường hợp xuất lợn về các tỉnh Tây Nam Bộ, nếu chủ hàng có nhu cầu di chuyển tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây phải đăng ký ghi rõ tuyến đường vận chuyển trên giấy chứng nhận kiểm dịch.

“Việc tỉnh Đồng Nai phát sinh dịch tả lợn châu Phi sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao xâm nhiễm vào TP.HCM. Do đây là điểm giáp ranh và là nơi cung cấp nguồn thịt lớn nhất cho TP", một cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP cho biết thêm.

Được biết, Đồng Nai là địa phương nuôi lợn lớn của cả nước, với tổng đàn hơn 2,5 triệu con và là nơi cung cấp nguồn thịt lợn lớn nhất cho TP.HCM với số lượng giết mổ hằng ngày (3.000 – 3.500 con).

Trước đó, ngày 2.5, UBND huyện Trảng Bom và huyện Nhơn Trạch của tỉnh này đã công bố dịch bệnh tả lợn châu Phi xuất hiện ở 4 xã thuộc hai địa bàn này.

Không nên tẩy chay thịt heo...

Theo ghi nhận của PV, thời điểm dịch tả lợn châu Phi phát dịch và lan rộng ở nhiều tỉnh thành, không ít người dân tại TP.HCM lo ngại việc lợn bệnh, lợn dịch "đội lốt" lợn sạch vào địa bàn.

Trước đó, một trường Mầm non trên địa bàn quận Thủ Đức, TP.HCM đăng tải thông báo, hạn chế sử dụng thịt lợn trong thực đơn của trẻ và sẽ thay thế bằng một số thực phẩm khác.

Nguy cơ heo bệnh, heo dịch trộn lẫn tại các chợ tự phát

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM - khẳng định, tiến hành kiểm soát chặt chẽ thịt heo tại các chợ đầu mối sẽ đảm bảo thịt an toàn. Để làm điều đó, Ban phối hợp các đơn vị  liên quan tiến hành kiểm tra cơ sở giết mổ tập trung tại Hóc Môn, Củ Chi và kiểm tra hoạt động kinh doanh mua bán thịt lợn tại các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền...

Ban QLATTP chịu trách nhiệm kiểm tra sản phẩm từ lúc thành phẩm, vào chợ đầu mối và đến tay người tiêu dùng. Ngành thú y chịu trách nhiệm kiểm dịch, giết mổ… bằng mọi cách đảm bảo kiểm soát thịt heo mỗi đêm, tất cả các xe vận chuyển thịt lợn vào chợ phải có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ, đeo vòng, truy xuất thông tin.

"Người dân không nên tẩy chay thịt heo mà người dân chỉ nên mua thịt heo ở những điểm bán có kiểm soát của cơ quan chức năng để đảm bảo nguồn hàng chất lượng an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ và thực hiện nghiêm túc việc “Ăn chín, uống sôi” để phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh về truyền nhiễm,…", bà Lan khuyến cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn