MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dịch tả lợn Châu Phi: Quảng Nam ngăn chặn lây lan, Đà Nẵng khẩn trương phòng chống

HOÀNG VINH - ĐỖ VẠN LDO | 19/05/2019 17:06

Trước dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên xuất hiện, Quảng Nam đã kịp thời “ra tay” xử lý để ngăn dịch bùng phát và lây lan. Ở địa phương giáp ranh với vùng địa, các ngành chức năng của TP.Đà Nẵng hiện cũng lên phương án ngăn không cho dịch tấn công.

Nguyên nhân bùng phát dịch tả lợn Châu Phi ở Quảng Nam

Theo UBND huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn Châu Phi đã được phát hiện tại hai xã Duy Hải và Duy Nghĩa. Tổng số lợn đem đi tiêu hủy là 22 con của 6 hộ gia đình.

Chính quyền địa phương nhận định, nguyên nhân khiến dịch bùng phát là do nguồn thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn đã nhiễm mầm bệnh đã được công nhân ngoại tỉnh mang vào.

Vì trước đó, hồi tháng 3.2019, khi dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện ở các tỉnh phía Bắc, để ngăn ngừa dịch tấn công, UBND tỉnh Quảng Nam đã lên phương án cho thiết lập chốt kiểm dịch động vật đặt hai đầu của tỉnh (huyện Núi Thành và thị xã Điện Bàn) để kiểm soát phương tiện vận chuyển lợn qua địa bàn.

Quảng Nam thực hiện phân luồng phương tiện chở lợn trên cao tốc để ngăn ngừa dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Đ.V

Đồng thời, chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiến hành phân luồng, không cho xe chở lợn chạy trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mà phải di chuyển xuống Quốc lộ 1A. Sau đó, các cơ quan chức năng tiến hành phun thuốc khử trùng trước khi cho lưu thông.

Bên cạnh đó, địa phương này cho biết thêm, khi lợn bị ốm, có triệu chứng lâm sàng của dịch tả lợn Châu Phi,nhưng bác sĩ Thú y cơ sở lại điều trị theo bệnh theo bệnh thông thường mà không đem đi tiêu hủy ngay khiến dịch lây lan nhanh.

Ông Nguyễn Bốn – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) – cho biết, để không cho dịch lây lan, địa phương đã thiết lập 4 chốt kiểm dịch để ngăn ngừa việc vận chuyển lợn ra vào vùng bệnh. Rà soát lại tất cả các cơ sở giết mổ phải có dấu kiểm dịch trước khi đưa thịt lợn ra thị trường tiêu thụ.

“Các nơi bùng phát dịch chủ yếu là các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ, tuy nhiên, trên địa bàn huyện hiện nay có nhiều trang trại nuôi lợn, địa phương đã thông báo cho tất cả các chủ trang trại tiến hành khử độc quanh khu vực nuôi. Đồng thời, nếu phát hiện trên đàn lợn có các triệu chứng lâm sàng thì phải báo ngay cho ngành Thú ý của địa phương để có phương án xử lý kịp thời…” – ông Bốn nói.

Đà Nẵng lên phương án phòng chống

Trước những diễn biến bệnh dịch tả lợn Châu Phi diễn ra ở Quảng Nam, ngành thú y và chăn nuôi Đà Nẵng cũng lên phương án tăng cường kiểm soát để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra các địa bàn lân cận trên địa bàn thành phố.

Các lực lượng chức năng của TP.Đà Nẵng túc trực 24/24 để kiểm tra, kiểm soát xe vận chuyển lợn qua địa bàn. Ảnh: H.V
 

Ông Cao Xuân Thái - Chi cục Trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y TP.Đà Nẵng - cho hay, trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ở Quảng Nam trong những ngày gần dây, Đà Nẵng nằm ở đường trung chuyển lợn của các tỉnh phía Bắc vào phía Nam và ngược lại, Chi Cục chăn nuôi và thú y thành phố đã tăng cường công tác thường xuyên giám sát ở các hộ chăn nuôi, trang trại, lò giết mổ cũng như tất cả các phương tiện vận chuyển lợn khi qua địa bàn. Nếu phát hiện tình trạng bất thường sẽ tiến hành xử lý, lấy mẫu để có biện pháp ngăn chặn.

“Hiện trên địa bàn Đà Nẵng có 2 chốt kiểm dịch ở trạm Kim Liên (quận Liên Chiểu) và trạm Hòa Phước (huyện Hòa Vang). Tại đây luôn có lực lượng thú y phối hợp với lực lượng CSGT túc trực 24/24 kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt để phun thuốc tiêu độc, khử trùng ở các xe chở động vật khi đi ra vào địa bàn thành phố” - ông Thái thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn