MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. Ảnh: Hải Nguyễn

Điểm tên những dịch bệnh khiến người dân lo lắng năm 2022

Thùy Linh LDO | 30/12/2022 06:00

Năm 2022, bên cạnh dịch bệnh COVID-19, dịch sốt xuất huyết, dịch bệnh từ Adeno virus, dịch cúm... đã khiến không ít bệnh nhân phải nhập viện điều trị, thậm chí, có những thời điểm "dịch chồng dịch", gây quá tải hệ thống y tế.

Dịch COVID-19 tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát

Năm 2022, đại dịch COVID-19 vẫn là mối quan ngại tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết thời gian qua, số ca mắc COVID-19 đã giảm mạnh, không có tình trạng quá tải hệ thống y tế. Điều này cho thấy dịch đang được kiểm soát tốt. Hiện nay, dịch COVID-19 đã chuyển sang giai đoạn mới, cùng với việc mở cửa du lịch, Việt Nam đã mở cửa các hoạt động để phục hồi và phát triển kinh tế.

Nguyên nhân do tỉ lệ tiêm vaccine cao, hiệu quả và năng lực y tế của Việt Nam dần được nâng lên nên đáp ứng yêu cầu tốt hơn. 

Bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Hiếu Trương

Theo số liệu được Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tổng hợp từ các địa phương, tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 314.271 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 115 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,9 lần; số tử vong tăng 91 trường hợp.

Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết (số mắc tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 16 ca tử vong (trong khi cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong).

Các chuyên gia lo ngại, trong 12 tới có thể sẽ là đỉnh dịch của sốt xuất huyết năm nay. Bên cạnh đó, thời tiết bắt đầu vào mùa Đông có nguy cơ bùng phát một số bệnh gây dịch khác như cúm, sởi, thủy đậu, adenovirus...

Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.

Virus Adeno khiến hàng chục nghìn trẻ em mắc bệnh

Nhiều bệnh nhi mắc Adeno virus đến khám tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: Thùy Linh

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 tháng năm 2022, cả nước ghi nhận 12.119 trường hợp mắc bệnh do virus Adeno; 20 trường hợp tử vong/nặng. Số mắc ghi nhận chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc.

Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số bệnh nhi đến khám được chẩn đoán mắc bệnh do virus Adeno và nhập viện có xu hướng tăng cao (7.000 trường hợp mắc bệnh trong tháng 9, 10.2022 trong tổng số 7.233 trường hợp mắc của 10 tháng năm 2022).

Bộ Y tế cũng vừa ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh do virus Adeno.

Virus Adeno gây bệnh ở người lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp trong phạm vi gần, hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với dịch cơ thể có chứa virus. Nguy cơ lây nhiễm giống như một số virus cảm lạnh thông thường, nhưng thấp hơn virus hợp bào hô hấp (RSV), cúm mùa, SARS-CoV-2.

Virus Adeno thường gây dịch ở nơi có điều kiện sống kém, đông đúc, có thể do nhiễm trùng bệnh viện qua bàn tay người chăm sóc, dụng cụ thăm khám chăm sóc, đặc biệt ở Khoa hồi sức, Sơ sinh, đơn vị ghép tạng.

Bệnh thường xảy ra vào mùa đông, xuân và đầu hè, tuy nhiên bệnh có thể xảy ra quanh năm.

Dịch cúm 

Bệnh nhi mắc cúm ở Bắc Kạn. Ảnh: Sở Y tế Bắc Kạn

Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 800.000 người mắc cúm – một trong các bệnh hô hấp có thể bùng phát thành dịch. Số ca mắc cúm thường gia tăng vào mùa đông – xuân, tuy nhiên, ngay từ tháng 6.2022, dịch cúm A bùng phát ở Hà Nội khiến gần 3.000 người mắc.

Nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị các biến chứng như viêm phổi, viêm não, tổn thương thần kinh trung ương… Một số trường hợp nặng phải thở máy, điều trị trong các phòng hồi sức tích cực (ICU). Đợt bùng phát dịch cúm A ở Hà Nội được xem là hoạt động trái mùa của virus cúm.

Theo các chuyên gia, nhóm virus cúm mùa được phân loại các chủng A, B, C, trong đó các chủng cúm A và B khả năng lây lan nhanh, gây thành dịch lớn.

Bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ gây quan ngại trên toàn cầu. Ảnh đồ họa: Thuỳ Linh

Từ tháng 5.2022, dịch có diễn biến bất thường, đã ghi nhận dịch tại 12 quốc gia khu vực châu Âu. Tiếp đó, dịch bệnh đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp bệnh. Ngày 23.7.2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.

Ngày 3.10, Bộ Y tế báo cáo Việt Nam phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên, chủng Monkeypox virus thuộc clade IIb. Bệnh nhân là nữ (35 tuổi, thường trú TPHCM) khởi phát bệnh ngày 18.9 khi đang du lịch tại Dubai. Sau ba tuần điều trị, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính và được cho xuất viện ngày 14.10.

Tiếp đó, ngày 20.10, Sở Y tế TPHCM cho biết thành phố vừa phát hiện ca đậu mùa khỉ thứ hai. Đây cũng là ca bệnh được phát hiện ngay khi nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và đã cách ly, điều trị kịp thời tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Vì thế không làm lây lan dịch ra cộng đồng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn