MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ khám và tư vấn dinh dưỡng cho người dân. Ảnh: Hương Giang

Dinh dưỡng hợp lý cần được duy trì suốt đời

Thùy Linh LDO | 02/07/2023 17:55

Dinh dưỡng hợp lý cần được duy trì thường xuyên trong suốt cuộc đời của mỗi người nhằm nâng cao sức khỏe bản thân, gia đình và góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ngày 2.7, tại sự kiện Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam tổ chức tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (khu vực Bờ Hồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết, ngày 5.1.2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 02/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã nêu rõ quan điểm của Chính phủ về vấn đề dinh dưỡng.

Thứ nhất, mọi người dân đều có quyền tiếp cận công bằng với dinh dưỡng và thực phẩm để đạt được tình trạng dinh dưỡng tối ưu, góp phần nâng cao sức khỏe.

Thứ hai, thực hiện dinh dưỡng hợp lý cần được duy trì thường xuyên trong suốt cuộc đời của mỗi người nhằm nâng cao sức khỏe bản thân, gia đình và góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Thứ ba, nhà nước có trách nhiệm xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy thực hiện dinh dưỡng hợp lý; điều tiết, phân bổ nguồn lực can thiệp để cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em tại một số vùng miền đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực miền núi, hải đảo…

"Đó là 3 quan điểm nhất quán để tiến tới mục tiêu tổng quát là thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, để chiến lược của Chính phủ sớm đi đến thành công, các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị đang cùng tham gia một cách tích cực. Bộ Y tế đã, đang và sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn tới người dân và cơ sở y tế về thực hiện dinh dưỡng hợp lý.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng được xem là một giải pháp quan trọng để khuyến khích người dân, nâng cao kiến thức cho cộng đồng và tạo ra những thay đổi tích cực, hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: Hương Giang

Là người trực tiếp khám, tư vấn dinh dưỡng cho người dân tại sự kiện, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Trung tâm Khám tư vấn, phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì, Viện Dinh dưỡng đánh giá, hiện người dân đã có ý thức và hiểu biết tốt hơn về dinh dưỡng và vận động.

Song để hiểu và áp dụng riêng cho mỗi người thì nhìn chung chưa ổn. Nhiều người vẫn áp dụng một cách máy móc theo khuyến nghị chung của cộng đồng mà không có sự chọn lọc thông tin để áp dụng riêng cho bản thân mình.

"Mỗi người phải có chế độ ăn, chế độ tập luyện phù hợp với bản thân và độ tuổi, tính chất công việc, bệnh kèm theo... Cụ thể như ưu tiên các thực phẩm tự nhiên, sau đó mới sử dụng các thực phẩm thay thế khác. Hiện nhiều người đang áp dụng thái quá, có hiện tượng lạm dụng thực phẩm thay thế mà quên đi các bữa ăn tự nhiên là không ổn", BS Hưng nói.

Thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên là tốt nhất cho sức khỏe nên phải ưu tiên trong khẩu phần ăn. Việc tự cân đối khẩu phần ăn cho bản thân sẽ khá khó nếu không được đào tạo về dinh dưỡng, nên tốt nhất phải có sự tư vấn hướng dẫn của bác sĩ.

Trường hợp không có điều kiện đi khám dinh dưỡng thì nên duy trì thói quen ăn lành mạnh như ăn cơm (chất bột đường) phải chiếm 50-60% trong bữa ăn, sau đó là chất đạm từ 15-20%, tức lượng đạm là khá ít, còn lại là chất béo cho các món xào rán, dùng các loại hạt có dầu, hoặc thực phẩm chế biến dưới dạng nộm, trộn... để lấy chất béo từ dầu mỡ. Không nên quá cực đoan, chỉ ăn món luộc thì không tốt cho sức khỏe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn