MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số sản phẩm đồ uống có đường trên thị trường hiện nay. Ảnh đồ họa: Hương Giang

Đồ uống có đường bao gồm những loại nào?

Hương Giang (theo Viện Viện Dinh dưỡng Quốc gia) LDO | 07/03/2023 14:19

Đồ uống có đường còn được gọi là nước giải khát, đó là bất kỳ loại đồ uống nào có thêm đường hoặc các chất làm ngọt khác như siro fructozo cao, đường sucrose, nước ép trái cây,... bên cạnh đó còn có soda, cola, thuốc bổ, nước chanh, đồ uống thể thao,... cũng được coi là đồ uống có đường.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, gồm có nước ngọt không chứa cồn (có ga hoặc không có ga), nước ép trái cây/rau củ, đồ uống từ trái cây/rau củ (dưới dạng đồ uống, chất cô đặc dạng lỏng và bột), nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao, trà pha sẵn uống liền, cà phê pha sẵn uống liền và đồ uống sữa có pha chế hương liệu (flavoured milk drinks).

Trong định nghĩa này, đường tự do là các đường đơn (như glucose, fructose) và đường đôi (sucrose hoặc đường ăn) được thêm vào thực phẩm (bởi nhà sản xuất, người chế biến hoặc người tiêu dùng) và đường tự nhiên có sẵn trong thực phẩm (có trong mật ong, xi-rô, nước ép hoa quả và nước hoa quả cô đặc). 

Một trong những loại đường phổ biến được nhà sản xuất cho vào các loại đồ uống có đường là fructose. Đường fructose sẽ làm tăng quá trình sinh nhiệt, tăng triglyceride, kích thích tiêu thụ oxy nhiều hơn so với glucose, nhưng lại tạo ra các kích thích insulin nhỏ hơn rất nhiều so với glucose, làm cản trở quá trình chuyển hóa glucose, gây tăng tích tụ mỡ ở cơ thể và tình trạng thừa cân béo phí.

Chính vì vậy, phần lớn các nghiên cứu về vấn đề này đều tìm thấy mối liên quan thuận chiều giữa việc tiêu thụ các loại đồ uống có đường với hàm lượng mỡ cơ thể hay tình trạng béo phì.

Hơn nữa, do đồ uống có đường là dạng lỏng nên được cơ thể dung nạp một cách nhanh chóng khiến cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo vừa nạp vào và gửi tín hiệu no đến não bộ giống như cách cơ thể phản ứng theo cơ chế điều khiển ngược của cơ thể với lượng calo từ thức ăn dạng đặc.

Điều này có thể khiến một người tiếp tục ăn ngay cả khi đã uống đồ uống có đường với hàm lượng calo cao. Do đó, nếu không giảm năng lượng ăn vào từ các nguồn thực phẩm khác thì lượng calo dư thừa từ đồ uống có đường này sẽ góp phần gây ra thừa cân và béo phì, bởi chúng dễ dàng chuyển hóa thành chất béo trong cơ thể và được lưu trữ trong các mô khác nhau.

Kết quả là một người trưởng thành ăn uống bình thường nhưng lại uống thêm mỗi ngày một lon nước soda có đường (350ml cung cấp 150 kcal và 40-50g đường) có thể gây tăng 6,75kg trọng lượng cơ thể, nếu sử dụng liên tục trong vòng 1 năm. 

Bên cạnh đó, đồ uống có đường bất kể là được tạo ngọt bằng đường hay chất tạo ngọt nhân tạo (đường hóa học) đều kích thích cảm giác thèm ăn các thức ăn ngọt, nhiều carbohydrate và làm gia tăng cảm giác đói, giảm ngưỡng cảm giác no.

Chính vì vậy, khi một người tiêu thụ đồ uống có đường lâu ngày, “ngưỡng ngọt” của người đó tăng dần lên, khiến cho họ có xu hướng ăn các thực phẩm khác ngọt hơn bình thường. Việc tăng tiêu thụ đường và đồ uống có đường dẫn đến việc tăng năng lượng nạp vào cơ thể, từ đó dẫn tới thừa cân, béo phì. 

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Các sản phẩm được Bộ Tài chính lấy ý kiến áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt là nước uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trò chơi trực tuyến (game online)…

Đối với các sản phẩm đồ uống có đường, Bộ Tài chính lý giải Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường... hiện đang có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn