MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điểm tiêu hủy heo tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đằng, ấp Tân Đạt, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Đồng Nai đã kiểm soát được 4 điểm dịch tả heo Châu Phi

HÀ ANH CHIẾN LDO | 08/05/2019 17:18

Đồng Nai phát sinh 4 điểm dịch tả heo Châu Phi tại 2 huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch. Ngay khi phát hiện, các ngành chức năng đã tập trung dập dịch ngay tại chỗ. 

Chiều 8.5, trao đổi với báo Lao Động, ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Dịch đã vào Đồng Nai từ ngày 24.4, có 4 điểm trên 4 xã của huyện Trảng Bom và huyện Nhơn Trạch.

Hiện tỉnh Đồng Nai đã dập được 4 điểm dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn.

Từ ngày 24.4 đến nay không phát sinh thêm ổ dịch tả heo Châu Phi mới. Các địa phương đang làm thủ tục theo quy định để hỗ trợ người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy. “Hiện các cấp đang tập trung cao độ cho công tác phòng dịch, hạn chế tối đa phát sinh mới” - ông Chánh nói.

Đồng Nai là địa phương nuôi heo lớn của cả nước, với tổng đàn hơn 2,5 triệu con. Ngay sau khi phát hiện dịch, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định, chính sách hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi. Quy định này đưa ra 5 mức hỗ trợ như sau: Heo con theo mẹ: 300 nghìn đồng/con; heo cai sữa đến dưới 2 tháng tuổi: 500 nghìn đồng/con; heo thịt từ 2 - 4 tháng tuổi: 2 triệu đồng/con; heo thịt, heo giống hậu bị trên 4 tháng tuổi: 3 triệu đồng/con. Riêng mỗi con heo nái, heo đực giống đang khai thác sẽ nhận mức hỗ trợ cao nhất là 4,5 triệu đồng/con.

Trong khi đó, sáng 8.5, trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo Châu Phi đang lan rộng ở phía các tỉnh phía Nam, Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai cuộc họp khẩn với các sở, ngành, địa phương liên quan bàn các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi.

Sở này nhận định nguy cơ dịch bệnh sẽ lây lan sang địa bàn tỉnh là rất cao, đặc biệt thông qua các con đường vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, giết mổ, buôn bán sản phẩm động vật, sử dụng thức ăn thừa…

Mặt khác, do hiện nay giá heo hơi xuất chuồng đang ở mức thấp, khó tiêu thụ nên lượng heo tồn đọng trong tỉnh sẽ lớn, cùng với đó là lượng heo từ Đồng Nai chuyển về Bà Rịa-Vũng Tàu tăng lên sẽ là nguy cơ cao dẫn đến việc lây lan dịch bệnh. Do đó, Sở NNPTNT Bà Rịa - Vũng Tàu cũng yêu cầu ban, ngành, địa phương khẩn cấp triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn