MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thực phẩm chức năng giả bị CA Hà Nội bắt giữ

Dược phẩm và TPCN giả: Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng

Đặng Tiến LDO | 26/06/2015 12:50
Dược phẩm và thực phẩm chức năng giả ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng do lợi nhuận cao, các đối tượng đã bất chấp, dùng mọi thủ đoạn để thực hiện mục đích trục lợi. Trong khi đó các cơ quan chức năng chưa thực sự phối hợp với nhau trong công tác quản lý, giám sát thị trường.
Đó là những vẫn đề nổi cộm tại buổi “Tọa đàm về công tác chống hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế” do Văn phòng Thường trực 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế tổ chức sáng 26.6.
Hàng giả lấn át hàng thật

Theo thống kê của Ban chỉ đạo 389 quốc gia tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, phá hoại nền sản xuất trong nước. Đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, phá hoại môi trường sống. 

Trong năm 2004 và 5 tháng đầu năm 2015 các lực lượng chức năng 389 đã thanh, kiểm tra phát hiện xử lý 2.113 vụ việc vi phạm. Thứ trưởng Bộ Y tế - Phạm Lê Tuấn cho biết công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng thời gian vừa qua cho thấy không thể một Bộ hay một ngành, hay cá nhân, doanh nghiệp có thể triển khai hiệu quả nếu không có sự tham gia và phối hợp của toàn xã hội, đặc biệt người dân và chính bản thân DN. 

Bộ y tế đang xây dựng các văn bản, những mặt hàng nào, sản phẩm nào kinh doanh có điều kiện thì phải kiểm tra kỹ trước khi cấp phép, điều kiện sản xuất đủ không và vấn đề tiền kiểm, hậu kiểm. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp của hải quan, công an, QLTT và cả người dân.

Đại diện Ban 389 TP.Hà Nội ông Vương Trí Dũng cho biết trong 5 năm trở lại đây, thực phẩm chức năng bùng nổ. Tất cả các DN liên quan đến dược phẩm đều kinh doanh thực phẩm chức năng, cả sản xuất và nhập khẩu. Hiện trên thị trường có hơn 10.000 loại thực phẩm chức năng và trong đó hơn 70% thực phẩm chức năng được SX trong nước. 

Khi mặt hàng thu hút nhu cầu của người dân thì sẽ là cơ hội để các đối tượng làm giả, làm nhái và buôn lậu lợi dụng để trục lợi. Vì lợi nhuận chúng bất chấp đến chất lượng và sức khỏe của người tiêu dùng. 

Qua kiểm tra 10 đơn vị có 50% vi phạm ở các mức độ khác nhau, có những đơn vị chỉ lấy 5 sản phẩm thì có đến 3 sản phẩm không đạt chất lượng. Trong khi đó sản phẩm này đã được cung ứng đến 28 tỉnh, thành phố.

Ngày càng tinh vi

Chánh văn phòng Ban 389 quốc gia – Trần Hùng cho biết các nước trên thế giới dùng thực phẩm chức năng để bổ sung dinh dưỡng và phòng bệnh cho con người. Nhưng với nhu cầu lớn thì lại bị làm giả rất nhiều, khiến nhiều nhà DN làm ăn chân khó khăn,c ó thể dẫn đến phá sản. Tuy các lực lượng đã tăng cường triển khai kiểm tra kiểm soát, nhưng các đối tượng làm giả và gian lận thương mại ngày càng tinh vi. 

Qua kiểm tra, phần lớn các sản phẩm được nhập khẩu từ TQ qua đường tiểu ngạch với các sản phẩm làm đẹp như dầu gội đầu, sửa tắm, nhau thai cừu, thuốc bổ, thuốc sinh lý đàn ông, thuốc giảm béo cho phụ nữ… và đặc biệt có các thuốc chữa thần kinh về bóc nhãn mác dán nhãn mác của các hãng nổi tiếng bán ra thị trường. 

Ngoài ra, nhiều sản phẩm đưa từ TQ về VN nhưng được thay bao bì nhãn mác và nguồn gốc xuất sứ để đánh lừa người tiêu dùng gây hậu quả khôn lường. 

Theo đại diện PC46 Công an TPHCM nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng tội phạm sản xuất hàng giả ở nhiều địa điểm, mỗi địa điểm một khâu sau đó chuyển về một nơi để hoàn thiện. Nếu bị phát hiện các đối tượng sẽ nhanh chóng tẩu tán tang vật. Ngoài ra, các đối tượng còn cấu kết với một số DN hợp pháp do vậy các sản phẩm thường ít bị chú ý vì không ai nghĩ đó là hàng giả. 

Cũng theo PC46 TPHCM một vấn đề nổi cộm là các đối tượng chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng với những mặt hàng mà nhu cầu thị trường đang cần. Nhiều đối tượng còn sử dụng cả tem chống hàng giả của Bộ Công an để tạo niềm tin với người tiêu dùng. Cùng đó đại diện PC46 Công an TP.Hà Nội ông Giáp Thành Trung cũng cho biết từ đầu năm 2015 đến nay đơn vị đã kiểm tra xử lý 72 vụ liên quan đến dược phẩm và thực phẩm chức năng giả xử lý hình sự 4 vụ.

 Qua khai thác các đối tượng cho biết nhập hàng từ TQ về nhưng khi thị trường cần mới đóng gói bán ra thị trường. Còn nữa nhiều đối tượng xin làm 1 lô sản phẩm chất lượng đảm bảo chất lượng được phép sản xuát nhưng sau đó đã sản xuất những lô hàng giả để bán ra thị trường. Khó khăn nhất vẫn là kinh phí trong quá trình kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, đề nghị Bộ Y tế cần hỗ trợ lực lượng công an hỗ trợ về việc giám định chất lượng hàng hóa để xử lý nghiêm và khởi tố vụ án nếu có thể. Đồng thời cần có quy định cụ thể về việc SXKD dược phẩm và thực phẩm chức năng. 

Tại buổi tọa đàm nhiều ý kiến đều cho rằng khó khăn bất cập trong công tác kiểm soát thị trường và vấn nạn hàng giả, hàng nhái và hàng lậu đang ngày một lấn át những sản phẩm chính hãng về phương thức tiếp thị và giá cả. Chánh văn phòng Ban 389 Trần Hùng chỉ rõ nguyên nhân là các lực lượng chức năng chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với nhau. 

“Đơn vị nào cũng cho rằng khó khăn, bất cập, vậy bất cập ở đâu và khâu nào tại sao không giải quyết được. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Trách nhiệm chính là của các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Hùng nhấn mạnh. 

Clip hội thảo về thực phẩm chức năng và dược phẩm giả sáng 26.6:
 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn