MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người mắc COVID-19 phải ra phường xét nghiệm để xin quyết định cách ly tại nhà. Ảnh: P.Đ

F0 gia tăng ở Hà Nội: Cách ly “chồng” cách ly, công sở thiếu hụt lao động

Phạm Đông LDO | 02/03/2022 07:13

Hà Nội ghi nhận mỗi ngày hơn 10.000 ca mắc COVID-19, trên thực tế con số còn cao hơn rất nhiều. Đáng nói là trong nhiều gia đình, các thành viên cứ lần lượt là F0, nên nhiều người phải cách ly vài tuần đến cả tháng tại nhà. 

Cả tháng không thể đi làm vì liên tục phải cách ly

Tại Hà Nội, trung bình mỗi ngày ghi nhận 10.000 ca mới - tăng 135% so với hai tuần trước. Theo thống kê những ngày qua, 98% F0 được điều trị tại nhà. Nhiều thành viên trong cùng gia đình lần lượt trở thành F0, F1 và phát sinh những tình huống trớ trêu khi liên tục phải cách ly.

Chị Nguyễn Thị Thuỳ (26 tuổi, Mai Dịch, Cầu Giấy), phát hiện mắc COVID-19 sáng 27.2. Trước đó, hai thành viên còn lại trong gia đình đều lần lượt mắc bệnh, nhưng nay đã âm tính. Trong thời gian có người nhà là F0, chị Thuỳ cũng không thể đi làm vì đang là F1 nên phải xin công ty tạm nghỉ.

Ba ngày cả gia đình lại test nhanh một lần, thì ngày 20.2, em gái chị cũng dương tính dù không xuất hiện triệu chứng. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn chị trở thành F1 đến 2 lần. Đến sáng 27.2, ngỡ tưởng sắp được đi làm khi 2 F0 lần lượt âm tính, chị Thuỳ bất ngờ test nhanh "hai vạch".

"Tôi đang dự định khi mọi người âm tính, kết thúc cách ly sẽ đi làm trở lại nhưng lại phải ở nhà thêm một tuần do bản thân nhiễm bệnh. Vậy là từ mùng 7 Tết đến nay, tôi phải ở nhà, chắc phải cách ly đến đầu tháng 3", chị nói.

98% bệnh nhân mắc COVID-19 đang được cách ly tại nhà. Ảnh: Ngọc Huy

Chung hoàn cảnh, gia đình anh Vũ Văn Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng lần lượt có vợ và con gái mắc COVID-19. Từ ngày 24.2, vợ anh xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và được gia đình chuyển cách ly tại căn hộ chung cư nhà bà ngoại. Kể từ đó, anh Bình phải xin cơ quan nghỉ việc vì là F1 và phải thay vợ chăm sóc các con.

Tuy nhiên, đến ngày 27.2, con gái út bắt đầu lên cơn sốt, gia đình đã liên hệ nhân viên y tế để xét nghiệm. Kết quả PCR khẳng định con gái út cũng dương tính. Cứ như vậy, anh Bình tiếp tục lần 2 trở thành F1 và tăng thêm thời gian cách ly.

Theo anh Bình, dịch COVID-19 đã lây lan trong hơn hai năm qua. Các xu hướng cho thấy dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát và hiện không quá nghiêm trọng, nhất là với người đã tiêm đủ vaccine. Chính vì vậy, với những ai mắc bệnh thì điều trị, ai chưa mắc, chỉ là F1 hay trường hợp liên quan thì vẫn có thể tiếp tục đi làm. 

Anh cho rằng nếu chỉ luẩn quẩn cách ly F0 và F1 sẽ tốn rất nhiều thời gian. Bởi nếu trong gia đình có người mắc COVID-19 thì những thành viên còn lại đương nhiên trở thành F1, phải nghỉ làm. Tuy nhiên, khi F0 trong nhà khỏi bệnh, thành viên khác lại mắc bệnh thì những người mới khỏi bệnh vẫn là F1, chưa thể đi làm ngay. Nếu quanh quẩn như vậy, mỗi gia đình sẽ mất cả tháng cách ly tại nhà.

Công sở thiếu hụt lao động 

Trước việc F0 tại Hà Nội liên tục tăng cao, các cơ quan công sở trên địa bàn thành phố cũng phải bố trí lại kế hoạch làm việc, thích nghi linh hoạt khi hàng loạt cán bộ, nhân viên phải cách ly, điều trị do COVID-19.

Anh Nguyễn Minh Sơn (37 tuổi, Cầu Giấy), cho biết, cơ quan anh có địa chỉ tại đường Phạm Hùng cũng phải xoay sở khi hàng loạt cán bộ, nhân viên "dính" F0. Từ sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, dịch bùng phát mạnh nên đến giờ tỉ lệ người trong cơ quan mắc lên đến hơn 30%. F0 ngày càng nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác và hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan.

Để đảm bảo nhiệm vụ công tác, những trường hợp F0, F1 không triệu chứng có thể làm việc online, giải quyết phần nào công việc được giao. Những trường hợp có triệu chứng sẽ nghỉ ngơi điều trị theo quy định. Những trường hợp có sức khỏe bình thường sẽ lên làm việc trực tiếp, chia sẻ khó khăn, làm việc trách nhiệm, hỗ trợ phần việc của các F0, F1 để lại.

Tuy nhiên, anh Sơn cho biết tỉ lệ 30% ở Hà Nội là vẫn còn may bởi chi nhánh tại Hải Phòng của cơ quan còn đến 60% nhân sự thành F0. Do đó, những trường hợp F1 - có người thân trong gia đình F0 cũng phải đến cơ quan làm việc bình thường.

Còn tại một cơ quan có địa chỉ ở Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa) có đến 50% nhân sự F0. Những trường hợp khỏe mạnh, đi làm trực tiếp, làm tăng cường ngoài giờ để giải quyết khối lượng công việc do các F0, F1 để lại... nhờ đó mà cơ quan mới trụ được.

Một nhân viên tại đây cho biết: "Bây giờ xác định sống kiểu chung với lũ thế này, chúng tôi cũng không quá bất ngờ. Trường hợp xấu nhất, cả cơ quan trở thành F0 thì chắc phải tính đến phương án cho người bệnh nhẹ đến cơ quan làm".

Công tác tại một cơ quan cấp cục, chị Nguyễn Thu Huyền (Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân) cho biết, hiện 100% nhân sự phòng chị hiện đang F0. Không chỉ công việc của bản thân bị ảnh hưởng, việc dính F0 cũng khiến công việc của các F1 trong gia đình phải chuyển sang làm trực tuyến.

Báo cáo mới nhất của Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho thấy, trong tuần qua tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm cộng đồng tăng với nhiều ổ dịch tại gia đình. Số ca nhiễm COVID-19 là công nhân ngày càng tăng khiến nhiều nhà máy, đơn vị phải lên phương án ứng phó với nguy cơ thiếu hụt lao động.

Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho rằng, số lượng người lao động là F0 tăng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới sản xuất. Nhưng hiện nay, đa số người dân đã được tiêm 3 mũi vaccine nên thời gian khỏi bệnh nhanh, chỉ trong 5 - 7 ngày, để giải quyết việc thiếu hụt tạm thời mà tuyển dụng sẽ dẫn đến dư thừa lực lượng lao động. Do đó, doanh nghiệp phải chủ động bố trí lực lượng sản xuất phù hợp.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn