MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thay vì được nhân viên y tế chăm sóc, hỗ trợ tại nhà như bao F0 khác, nhiều F0 đã phải "tự thân vận động" trong điều trị bệnh COVID-19. Ảnh minh hoạ: Thục Lam

F0 tự điều trị tại nhà khó được cấp thẻ xanh: Đừng để thêm thiệt thòi

Huyên Nguyễn LDO | 14/09/2021 13:01

Phải gồng mình vượt qua giai đoạn điều trị bệnh tại nhà, những F0 tự cách ly tại nhà vì một lý do nào đó đã chịu thiệt thòi nhất định khi không thể tiếp cận được với hệ thống y tế. Chính vì thế, cần có những chính sách phù hợp trong việc cấp thẻ xanh để họ không thiệt thòi lại thêm thiệt thòi.

Chạnh lòng!

Những ngày qua, 5 người trong gia đình chị B.L (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM) lướt đọc những dòng tin tức về “F0 tự điều trị tại nhà khó được cấp giấy xác nhận để làm thẻ xanh” kèm những tiếng thở dài.

“Buồn, thực sự buồn và thất vọng” - chị B.L bày tỏ sự chán nản. Chị L kể, cả nhà 6 người (5 người lớn, 1 trẻ em 10 tuổi) phát hiện mắc COVID-19 qua tự làm test nhanh tại nhà vào ngày 11.8. Khi đó, nhà chị có gọi vào số điện thoại của các đường dây nóng, tuy nhiên, tổng đài chỉ trả lời ghi nhận và hỏi địa chỉ nhà, sau đó thì không nhận được sự trợ giúp nào về y tế.

Lúc này, quận Bình Tân là một trong những khu vực có dịch bệnh nặng nề nhất tại TPHCM nên hầu như không thể kêu gọi được sự trợ giúp. Gia đình chị L đành nhờ người thân hỗ trợ mua thuốc, tự cách ly điều trị tại nhà. Qua 21 ngày điều trị tại nhà, cả nhà chị tiếp tục tự test nhanh và cho kết quả âm tính.

“Khi nghe tin F0 tự điều trị tại nhà khó xin được thẻ xanh, chúng tôi rất thất vọng. Bởi vì khi bị bệnh đã bị thiệt thòi, không ai quan tâm. Trong lúc đó, chúng tôi thông cảm vì lực lượng chức năng có lẽ đã quá tải lắm rồi. Nhưng đến lúc muốn quay lại cuộc sống bình thường mới thì nguy cơ lại tiếp tục bị bỏ rơi thêm lần nữa!” - chị L tâm sự.

Cùng tâm trạng, anh Lâm Quang Trường (phường 10, quận 10) - một tình nguyện viên tại Bệnh viện dã chiến quận 8 cũng thấp thỏm lo mong chờ chính sách của nhà nước. Anh Trường là nhân vật đã được phản ánh qua bài viết “TPHCM vẫn quá tải F0, người tự test nhanh mòn mỏi chờ vào danh sách F0” đăng trên Báo Lao Động.

Cuối tháng 7 vừa qua, gia đình anh Trường có 17 thành viên, trong đó có cả người già, trẻ em, phụ nữ mang thai tự test nhanh có kết quả dương tính của SARS-CoV-2. Lúc này, gia đình anh đã gọi điện nhiều lần đến số các đường dây nóng nhưng đều bận. 4 ngày sau, cả gia đình trở sốt cao.

Không còn lựa chọn nào khác, họ tự lên mạng tìm hiểu, đọc các bài chia sẻ, hướng dẫn tự điều trị F0 tại nhà và tự mua thuốc về điều trị.

Người nhà anh Lâm Quang Trường tự điều trị tại nhà. Ảnh: NVCC

Sau khi khỏi bệnh, thấu hiểu những khó khăn của các F0, anh Trường tình nguyện vào Bệnh viện dã chiến quận 8 để hỗ trợ cho đội ngũ tuyến đầu phòng chống dịch.

Nghe tin, F0 tự điều trị tại nhà khó được cấp thẻ xanh, anh Trường lo lắng khi sắp tới không biết gia đình mình sẽ được đi lại làm ăn, sinh hoạt như thế nào.

“Tôi biết là nếu cấp xác nhận một cách dễ dàng thì sẽ có người không mắc bệnh lợi dụng để xin cấp thẻ xanh. Nhưng tôi mong rằng, chính quyền sẽ có những phương án phù hợp cho những F0 thực sự đã khỏi bệnh sau thời gian tự điều trị tại nhà. Họ đã quá vất vả để vượt qua “cửa tử” trong thời gian qua rồi” - anh Trường bày tỏ.  

Sở Y tế hứa đề xuất giải pháp phù hợp

Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng thừa nhận, việc để F0 tự cách ly, tự điều trị tại nhà, không tiếp cận được y tế là một điều ngoài dự kiến. 

Theo ông Thượng, trong thời gian bùng phát dịch, số lượng ca mắc rất lớn, ngoài dự đoán thành ra rất nhiều trường hợp chưa được tiếp cận y tế để xét nghiệm theo quy định.

“Thành phố cũng phát hiện một số trường hợp không phải hiếm nhưng cũng không phải phổ biến là tự làm xét nghiệm tại nhà, do không có triệu chứng nên tự cách ly tại nhà, chưa được cơ quan y tế xác nhận, đưa vào quản lý. Đây là một điều ngoài dự kiến. Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu làm sao có giải pháp phù hợp, hợp lý nhất cho việc này” - ông Thượng bày tỏ.

Chia sẻ về việc làm xét nghiệm kháng thể, ông Thượng cho hay, đây là một điều rất mới, ngay cả trên thế giới cũng chưa có khuyến cáo làm xét nghiệm kháng thể để xác định đúng là đã nhiễm hay chưa. Ông Thượng cũng cho biết, điều này rất khó xác định và ngành Y tế sẽ trao đổi thêm với các chuyên gia đầu ngành về dịch tễ học để sớm tham mưu cho thành phố.

Tuy nhiên, ông Thượng vẫn cho rằng, tốt nhất là nên tiêm vaccine để tránh mất thời gian, công sức, tiền bạc trong làm xét nghiệm kháng thể. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn