MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một ca ghép thận tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Thương Hiển

Ghép tạng ở miền Trung: Gian nan chờ nguồn hiến tặng

Tường Minh LDO | 27/02/2023 08:10

Thực tế việc ghép tạng ở Bệnh viện Trung ương Huế hơn 20 năm qua vô cùng gian nan bởi nguồn hiến mô, tạng khan hiếm.

Vừa chạy đua với thời gian, vừa "đả thông tư tưởng"

Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, thường những các ca chết não, khi người nhà hoặc bệnh nhân trước đó đồng ý hiến tạng, các bác sĩ của Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế lập tức thu xếp trao đổi cùng với người nhà bệnh nhân trong vòng 24 giờ. 

Một bệnh nhân ghép tim thành công ở Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Thương Hiển 

“Đó là quãng thời gian chúng tôi vừa chạy đua với thời gian song cũng phải khéo léo “đả thông” tư tưởng, vận động gia đình. Đây là khâu quan trọng. Tuy nhiên, có khi lại “trắng tay” vì đơn vị y tế đó không đảm bảo đủ điều kiện lấy tạng an toàn”, bác sĩ Trần Thị Cẩm Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ.

Bác sĩ Trần Thị Cẩm Tú bảo mình còn nhớ mãi một trường hợp cách đây hai năm, mặc dù bệnh nhân, bố mẹ đồng ý hiến tạng song ông bà ngoại không đồng thuận nên việc hiến tạng bất thành. 

"Mặc dù đến thời điểm này, xã hội đã tiến bộ nên quan niệm hiến tạng cứu người đã có phần cởi mở hơn trước. Một phần truyền thông và hình ảnh những ca ghép tạng thành công phần nào tác động vào nhận thức của cộng đồng. Tuy vậy, việc kêu gọi hiến tạng và thay đổi tư duy của người dân là vô cùng khó, phải liên tục, kiên trì theo kiểu mỗi ngày một ít cho đến khi mọi người hiểu, “ngấm” dần thì nguồn hiến mới dồi dào, cơ hội cho người sống mới được nhiều hơn”, bác sĩ Trần Thị Cẩm Tú nói.

Những tín hiệu vui

Tin vui là tại lễ phát động hiến tạng đầu năm 2023 ở Bệnh viện Trung ương Huế, chương trình ghi nhận hàng chục trường hợp đến đăng ký. 

Một ca ghép tim ở Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Thương Hiển 

Một bạn trẻ xin giấu tên, là sinh viên của Đại học Huế chia sẻ: “Đây là nghĩa cử nhân văn mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân hiểm nghèo. Mỗi người chỉ sống một lần, khi ra đi nếu để lại chút gì đó ý nghĩa trong đời thì thật là hay biết mấy”.

Tin vui nữa, đến từ những nghĩa cử của bệnh nhân như hồi cuối năm 2022, ông Nguyễn T. D., 70 tuổi, Phan V., 84 tuổi (cùng ở thành phố Huế) mù lòa hơn 10 năm qua đã tìm lại ánh sáng sau 10 năm nhờ giác mạc của bà Trần Thị A. T. (54 tuổi) tại Buôn Hồ, Đắk Lắk. 

Một tuần sau phẫu thuật, thị lực cả hai bệnh nhân đã được hồi phục một phần, bệnh nhân đã có thể tự đi lại, nhìn mọi thứ trong khoảng cách 2-3m. Sau khi được nhìn thấy mọi thứ trở lại, ông Nguyễn T. D., Phan V. đã làm đơn đăng ký hiến tạng sau khi qua đời ngay trong ngày ra viện. 

Đó như một một lời tri ân bệnh nhân hiến tặng, cảm ơn tấm lòng nhân ái đã cho họ lần thứ hai được nhìn thấy ánh sáng trọn vẹn. Một người trong số họ bảo: “Cho đi là còn mãi. Tui cũng muốn gửi một món quà ý nghĩa đến với cuộc đời này”.

Từ năm 2001-2022, Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện 1.311 ca ghép mô, tạng. Trong đó, năm 2022 thực hiện 178 ca ghép thận, 2 ca ghép tim và 2 ca ghép giác mạc. GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, đơn vị vẫn tiếp tục cử đội ngũ nhân lực học tập ở nước ngoài, tiếp cận các kỹ thuật mới nhất về ghép tạng phục vụ người dân.

Theo Bác sĩ Trần Thị Cẩm Tú, năm 2023, Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ chú trọng hơn nữa công tác truyền thông, vận động hiến tạng nhằm tạo sự lan tỏa, nâng cao nhận thức của người dân. Liên hệ với các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhằm thay đổi quan niệm về hiến tạng. 

Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ xúc tiến các hoạt động phát động trong cộng đồng, ví dụ như lồng ghép trong hoạt động hiến máu tình nguyện. Thành lập mạng lưới vận động hiến tạng chết não, bao gồm các thành viên của các khoa/ phòng trong toàn viện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn