MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các chuyên gia BV Phụ sản Hà Nội đang hội chẩn khám chữa bệnh từ xa cùng các điểm cầu. Ảnh: BVCC

Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội: Nhiều ca khi đến được với chúng tôi đã quá muộn

Thùy Linh LDO | 18/09/2020 21:44
Theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, việc chẩn đoán chưa đúng, dẫn tới xử trí muộn khiến cho sản phụ đối diện với nhiều nguy cơ về tính mạng là điều đáng tiếc của ngành Sản khoa, đặc biệt là ở những cơ sở y tế tuyến dưới.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa khai trương Trung tâm khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) kết nối với các điểm cầu tại nhiều tỉnh phía Bắc.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, việc chẩn đoán chưa đúng, dẫn tới xử trí muộn khiến cho sản phụ đối diện với nhiều nguy cơ về tính mạng là điều đáng tiếc của ngành sản khoa, đặc biệt là ở những cơ sở y tế tuyến dưới.

Việc đưa vào vận hành hệ thống khám chữa bệnh từ xa nhằm hỗ trợ cho y tế tuyến dưới một cách hiệu quả trong tư vấn, chăm sóc thai kỳ cho các sản phụ, nâng cao hiệu quả điều trị, hội chẩn các ca bệnh khó giúp cứu sống nhiều sản phụ mắc các tai biến sản khoa phức tạp, giảm tỉ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.

"Với telehealth, đó không chỉ là truyền tải, trao đổi kiến thức chuyên môn với nhau mà còn có ý nghĩa rất lớn trong cấp cứu, có khá nhiều tình huống cấp cứu trong những ca phẫu thuật khó, có thể đã lường trước nhưng diễn biến trong mổ không lường được. Hoặc có những ca bất ngờ xảy ra.

Trong sản phụ khoa, đặc biệt quan trọng chính là thời gian vàng trong hội chẩn, chẩn đoán bệnh và cấp cứu, thậm chí là tối cấp cứu. Với khám chữa bệnh từ xa chắc chắn rằng sẽ giảm thiểu tỉ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Đồng thời nâng cao hiệu quả điều trị. Nếu không có telehealth, có nhiều ca khi đến được với chúng tôi đã quá muộn"- PGS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ.

Trung tâm khám chữa bệnh từ xa tại BV Phụ sản HN. Ảnh: BVCC

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội dẫn chứng thêm: Với trường hợp sản phụ mắc hội chứng truyền máu song thai, nếu chẩn đoán muộn bào thai đối diện với biến chứng suy tim, suy não và tử vong trong bụng mẹ.

"Tuy nhiên, cùng bệnh lý này, nếu các bác sỹ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phối hợp với các bác sỹ tuyến dưới để hội chẩn, phát hiện bệnh sớm, rút ngắn thời gian chuyển viện lên tuyến trên sẽ cứu sống được cả mẹ và bé"- PGS Nguyễn Duy Ánh khẳng định.

Để phát huy hiệu quả khám chữa bệnh từ xa, theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, không chỉ cần nỗ lực cao của đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mà các cơ sở y tế tuyến dưới cũng cần chủ động, thường xuyên học tập cập nhật kiến thức để tiếp nhận được các kỹ thuật chuyển giao từ tuyến trên.

Nhiệm vụ của Trung tâm tư vấn khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất cho các bệnh viện trong mạng lưới với 2 tổ chuyên biệt là sản khoa và phụ khoa.

Chiều 18.9, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng đã tiến hành hội chẩn trực tuyến với 8 điểm cầu tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc, Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm, Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì.

Các chuyên gia về sản phụ khoa có mặt tại điểm cầu Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tham gia hội chẩn các ca bệnh, phân tích các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cùng với bác sỹ 8 điểm cầu có ca bệnh báo cáo, từ đó đưa ra kết luận về chẩn đoán và phương pháp điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân.

Ngày 8.8.2018, Bộ Y tế đã trao quyết định công nhận Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện tuyến cuối và phân công cho bệnh viện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn