MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đàn lợn trong nước đang cần được bảo vệ (ảnh minh họa). Ảnh: H.A.C

Giám sát chặt cửa khẩu để bảo vệ đàn lợn trong nước

KHÁNH VŨ LDO | 13/09/2018 06:50
Nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao vì đã xuất hiện tình trạng buôn lậu lợn từ Trung Quốc về Việt Nam, do chênh lệch giá giữa hai nước.

Ngành nông nghiệp cùng các địa phương đã làm gì để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này, bảo vệ đàn lợn trong nước? 

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang hoành hành ở Trung Quốc, từ đầu tháng 8 đến nay đã ghi nhận 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh của quốc gia này, gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Triết Giang, với tổng số hơn 38.000 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy.

Nguy cơ ngành chăn nuôi đối mặt với đại dịch nguy hiểm

Tại các tỉnh phía Đông Trung Quốc, DTLCP đang hoành hành. Để khống chế dịch bệnh, Trung Quốc cấm vận chuyển lợn sống từ vùng dịch ra khỏi địa bàn và vận chuyển qua địa bàn có dịch. Điều này đã làm cho tình hình thiếu hụt càng thêm trầm trọng: Do đàn lợn bị cấm vận chuyển ra khỏi địa phương, khiến giá lợn hơi bị giảm mạnh, chỉ còn 40.000 đồng/kg.

Còn tại các tỉnh phía Nam Trung Quốc, do lượng cung thiếu hụt nên giá lợn hơi lại tăng cao trên 60.000 đồng/kg. Trung Quốc thực hiện lệnh phong tỏa, cô lập các ổ dịch, nên việc điều tiết lợn hơi, thịt lợn từ vùng này sang vùng khác để cân bằng giá là không thể thực hiện được, khiến tình trạng thịt lợn nơi thì sốt giá, nơi bị giảm sâu đang diễn ra trầm trọng.

Chính điều này có thể khiến tình trạng buôn lậu lợn từ Trung Quốc sang Việt Nam gia tăng bởi hiện tại, giá thịt lợn tại Việt Nam đang cao hơn Trung Quốc từ 12.000-15.000 đồng/kg. Đây chính là nguy cơ thẩm lậu dịch bệnh từ quốc gia này sang nước ta.

Theo ông Trần Xuân Đông - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ninh, tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, lượng khách du lịch từ các tỉnh, thành phố của Trung Quốc sang Quảng Ninh rất nhiều, vì thế không loại trừ trường hợp du khách mang theo những sản phẩm chế biến từ thịt lợn sang Việt Nam.

Tại khu vực biên giới của tỉnh Quảng Ninh cũng có rất nhiều đường mòn lối mở, cơ quan chức năng đã bắt giữ được các vụ mua bán, vận chuyển lợn sống từ Trung Quốc vào địa bàn TP.Móng Cái. Vì vậy, nguy cơ cao bị xâm nhiễm DTLCP và công tác phòng chống gặp khó khăn.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương, đặc biệt là các trang trại cần đẩy mạnh giám sát an toàn dịch bệnh, đề phòng bệnh DTLCP xâm nhiễm vào nước ta. Ảnh: PV

Không để “mất bò mới lo làm chuồng”

Theo cảnh báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, DTLCP đang có nguy cơ lây lan sang các nước ở Đông Nam Á hoặc bán đảo Triều Tiên. Việc dập dịch được xác định là tương đối khó khăn do virus tả lợn Châu Phi có thể tồn tại nhiều tháng trong các sản phẩm thịt nhiễm bệnh, thức ăn chăn nuôi và thức ăn dạng lỏng cho lợn.

Điều đáng lo ngại là loại virus này lây lan rất nhanh và tỉ lệ lợn chết là 100% nếu bị nhiễm, trong khi chưa có vaccine và thuốc đặc trị. Cục Thú y cho biết, virus DTLCP sống rất dai và có thể tồn tại thời gian dài trong thời tiết rất lạnh và rất nóng, và thậm chí cả trong các sản phẩm thịt lợn khô hoặc được bảo quản.

Virus có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami.

Virus có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao nên virus có thể chịu được trong thời gian dài 3-6 tháng; virus sống trong máu đã phân hủy được 15 tuần; trong máu khô không được 70 ngày; trong phân ở nhiệt độ phòng được 11 ngày; trong máu lợn ở nhiệt độ 40C trong 18 tháng; trong thịt dính xương ở nhiệt độ 390C được 150 ngày; trong giăm bông được 140 ngày và ở nhiệt độ 500C tồn tại trong 3 giờ…

Để ngăn chặn dịch, tỉnh Quảng Ninh, nơi có đường biên giới dài giáp với Trung Quốc đã ra công điện khẩn chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập. Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh yêu cầu đối với các địa phương không có biên giới, tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ; tăng cường công tác chống buôn lậu lợn và các sản phẩm từ lợn của Trung Quốc vào địa bàn.

Đối với 3 địa phương có biên giới giáp với Trung Quốc là TP.Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Bình Liêu, Sở NNPTNT Quảng Ninh đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới; tăng cường giám sát dịch bệnh...

Tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản yêu cầu các lực lượng chức năng và các địa phương trên địa bàn tăng cường ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh DTLCP vào nội địa.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tụ điểm tập kết, buôn bán lợn thịt, lợn giống và sản phẩm từ lợn, kể cả quà tặng quà biếu của cư dân biên giới, đặc biệt tại khu vực giáp gianh với Trung Quốc.

Ông Nguyễn Thế Anh - Phó Chủ Tịch HĐQT HTX Chăn nuôi Dịch vụ tổng hợp Hoà Mỹ (Ứng Hòa - Hà Nội) - cho biết: “Đề phòng dịch bệnh, trang trại thực hiện nghiêm ngặt quy định về cách ly, tiêu độc, khử trùng, hạn chế khách tham quan chuồng trại; hạn chế thương lái và việc vận chuyển con giống ở vùng khác vào trang trại. Thực hiện nghiêm việc đảm bảo vệ sinh, nguồn gốc thức ăn chăn nuôi”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn