MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 78 cán bộ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập nghỉ việc. Ảnh: Diệu Anh

Giữ chân cán bộ, nhân viên y tế trong hệ thống công lập tại Ninh Bình

DIỆU ANH LDO | 27/08/2023 18:25

Ninh Bình - Thời gian qua, 'làn sóng'' nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập. Tại Ninh Bình, mặc dù thực trạng này chưa đến mức "báo động", song ngành y tế Ninh Bình đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giữ chân nhân lực y tế khu vực công.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, từ năm 2020 đến nay đã có 12 cán bộ y bác sĩ xin chuyển công tác và nghỉ việc, trong đó có nhiều người có thời gian công tác lâu năm và có kinh nghiệm, chuyên môn cao, điều này không chỉ gây xáo trộn về nhân sự tại bệnh viện mà còn làm ảnh hưởng đến năng lực khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.

Bác sĩ Trịnh Văn Thái (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình) chia sẻ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cán bộ, nhân viên tại bệnh viện xin nghỉ việc và chuyển công tác ngày càng tăng là do áp lực về công việc, thời gian làm việc trong bệnh viện quá lớn, không có thời gian nghỉ ngơi và thời gian để nghiên cứu tài liệu cũng không có nhiều. Bên cạnh đó, các chế độ đãi ngộ của bệnh viện công lập cũng không bằng so với các cơ sở y tế, bệnh viện ngoài công lập.

"Hiện nay có rất nhiều phòng khám, bệnh viện tư mở ra và các chế độ đãi ngộ, cũng như điều kiện làm việc ở đó cũng tốt hơn so với các cơ sở công lập, tạo cơ hội cho các bác sĩ ở đấy có điều kiện để phát triển tốt hơn" - bác sĩ Thái chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết, khó khăn vướng mắc hiện nay đối với các cơ sở y tế, bệnh viện công lập đó là chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đội ngũ bác sĩ trẻ có trình độ cao được đào tạo.

"Ví dụ như ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, bác sĩ nội trú để đào tạo thì hiện nay chưa có bác sĩ nào, nếu như tỉnh Ninh Bình có chính sách thu hút nguồn nhân lực của các tỉnh khác để đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình thì đấy sẽ là một nguồn lực rất quý giá, bởi vì, những bác sĩ trẻ đó được đào tạo rất cơ bản, đào tạo 9 năm liên tục và đã được tiếp cận nhiều kỹ thuật mới của tuyến Trung ương..." - ông Tuyên cho hay.

Bà Phạm Thị Phương Hạnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có 78 cán bộ, nhân viên tại các cơ sở y tế và bệnh viện công lập nghỉ việc, mặc dù, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đã cơ bản khắc phục được tình trạng mất cân đối thiếu hụt bác sĩ giữa hệ điều trị với hệ dự phòng, giữa tuyến tỉnh với tuyến huyện và nhất là tuyến xã nhưng nhìn chung, nhân lực y tế vẫn chưa hợp lý cả về cơ cấu và chất lượng.

Tỉnh Ninh Bình cũng đã triển khai các chính sách thu hút bác sĩ, dược sĩ về công tác tại Ninh Bình, đồng thời đẩy mạnh thực hiện công tác đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế và phối hợp đào tạo bác sĩ, dược sĩ theo địa chỉ sử dụng nhằm bổ sung kịp thời nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành y tế.

"Chúng tôi yêu cầu mỗi đơn vị phải tạo ra một môi trường làm việc thân thiện và thuận lợi nhất để cho cán bộ, nhân viên y tế yên tâm làm việc. Đồng thời, tạo điều kiện để cho cán bộ, nhân viên y tế có cơ hội được học tập nâng cao trình độ, được thể hiện bản thân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị cần có chế độ đào tạo tuyển dụng và đãi ngộ đặc biệt đối với cán bộ nhân viên ngành y phù hợp với thực tế công việc và điều kiện làm việc để họ toàn tâm, toàn ý cống hiến hết sức mình cho công tác chăm sóc sức khỏe cứu chữa người bệnh" - bà Hạnh chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn