MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân đến "bắt bệnh" ở nhà thuốc giữa dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh hoạ: LH.

Giữa dịch COVID-19, việc "khám bệnh ở hiệu thuốc" nguy hiểm mức nào?

Thảo Anh LDO | 12/04/2020 12:05
Việc tự ý đi "khám bệnh" tại các nhà thuốc trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 khiến người bệnh chỉ được điều trị triệu chứng mà không chẩn đoán được nguyên nhân gây bệnh.

Từ thực tế việc hạn chế đến các bệnh viện trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người dân tự ý đến các nhà thuốc đọc triệu chứng và mua thuốc về tự điều trị. Trường hợp bệnh nhân 243 (nam, 47 tuổi, quê quán huyện Mê Linh, TP Hà Nội) mắc COVID-19 có tiền sử bệnh khá phức tạp. Sáng 12.3, bệnh nhân này đưa vợ đi khám tại Khoa Khám bệnh - phòng khám Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai. Đến ngày 21.3, có triệu chứng đau mỏi người, ngấy sốt nghĩ bị cảm cúm nên đã ra hiệu thuốc gần nhà tự mua thuốc điều trị. Sau đó bênh nhân này không còn triệu chứng và vẫn sinh hoạt giao tiếp xã hội như bình thường. Kết quả là ngày 6.4 tức 15 ngày sau bệnh nhân có kết quả dương tính COVID-19. 

Trường hợp này đã phản ánh một thực trạng chưa kiểm soát được, đó chính là “khám bệnh” tại các nhà thuốc.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà – Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương việc tự ý mua thuốc chữa bệnh vào thời điểm trước dịch bệnh đã hoàn toàn không nên và trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 thì càng nguy hiểm.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo người dân về mức độ nguy hiểm của việc tự ý mua thuốc điều trị.

"Do thói quen của người bệnh và việc quản lý chưa thực sự tốt khiến việc "bắt bệnh" ở các nhà thuốc tương đối phổ biến. Bệnh do virus SARS-CoV-2 có những thể lâm sàng khác nhau.

Có những thể rất nhẹ như bệnh nhân 243 với biểu hiện sốt và viêm đường hô hấp, không có biểu hiện suy hô hấp hoặc nặng hơn. Vì thế rất nhiều người không cảnh giác. Dù người ấy ở thể nhẹ thì việc không được chẩn đoán bệnh  do nguyên nhân gì khiến người bệnh vô tình lây lan bệnh dịch cho cộng đồng. Nói cách khác những loại thuốc cảm cúm làm giảm sốt nhưng virus vẫn tồn tại trong cơ thể" - bác sĩ Hồng Hà phân tích.

Đồng thời, bác sĩ Hồng Hà chỉ rõ nhân viên nhà thuốc chỉ chữa triệu chứng nhưng không thể chẩn đoán bệnh. "Người bán thuốc chỉ là dược sĩ không có kiến thức chuyên môn chẩn đoán nguyên nhân, từ đó không có biện pháp điều trị và dự phòng chính xác. Trong khi đó dù bất kì bệnh gì cũng cần phải được chẩn đoán có tư vấn bác sĩ. Hiện nay Bộ Y tế đã có rất nhiều đường dây nóng để tư vấn giải đáp trong mùa dịch bệnh" - bác sĩ Hà nói.

Nhấn mạnh thêm về mức độ nguy hiểm của việc tự ý mua thuốc trong thời điểm này, bác sĩ Hà khuyến cáo mục tiêu của việc cách ly xã hội là để phát hiện những người có biểu hiện lâm sàng như sốt, ho, viêm đường hô hấp, viêm phổi. Những trường hợp này cần báo ngay cho cơ quan y tế có chức năng chống dịch để nhanh chóng có cách thức đến thẳng các bệnh viện chẩn đoán xét nghiệm thì mới chẩn đoán được ca bệnh sớm nhất.

Quá trình điều tra dịch tễ không phải ai cũng làm được, những câu hỏi của bác sĩ sẽ là chìa khoá giúp định hướng, tránh bỏ sót ca nghi ngờ. Từ đó mới kiểm soát được ca bệnh, cách ly và ngăn chặn lây lan ra cộng đồng.

Đến nay, đã có 3 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 được xác nhận có liên quan đến bệnh nhân mắc COVID-19 số 243 ở Mê Linh, Hà Nội. Đó là trường hợp chị dâu và 2 hàng xóm tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn