MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân được bác sĩ thăm khám sau phẫu thuật. Ảnh: PHONG LAN

Gương mặt cứng đơ, co giật nhiều lần vì điều trị sai cách

NGUYỄN LY LDO | 23/05/2024 18:38

TPHCM - Liệt dây thần kinh số 7 là bệnh lý không còn quá xa lạ và nhiều người gặp phải. Với phương pháp điều trị đúng phác đồ, người bệnh có thể phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu sai phác đồ tình trạng này có thể nặng hơn.

Bà N.T.H (62 tuổi, TPHCM) không may bị co giật nửa mặt trái gần mười năm. Bà H đã thử nhiều phương pháp điều trị như châm cứu, uống thuốc bắc, thuốc tây y, tiêm botox… nhưng tình trạng không cải thiện, bệnh có dấu hiệu nặng hơn và tái phát các cơn co giật dày hơn.

“Tôi cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, cảm giác ủ rũ, thường xuyên thấy bất an, căng thẳng tinh thần, ngại tiếp xúc người lạ. Tiêm botox khiến tôi bị liệt cơ mặt, gương mặt ngày càng mất cân đối. Tình trạng này còn khiến cơ mặt bị tổn thương, gây cảm giác đau nhiều hơn khi xuất hiện cơn co giật”, bà H chia sẻ.

Bà H được bác sĩ chỉ định chụp MRI, kết quả cho thấy động mạch tiểu não trước dưới chèn ép vào dây thần kinh số 7. Đây chính là nguyên nhân gây ra co giật mặt do xung khắc mạch máu thần kinh. Nếu điều trị nội khoa mà chưa can thiệp phẫu thuật giải ép vi mạch, bệnh sẽ tái phát và kéo dài, nghiêm trọng hơn sẽ gây liệt nửa mặt trái của bệnh nhân.

ThS.BS.CKII Mai Hoàng Vũ - Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM - cho biết, gần đây đơn vị này tiếp nhận nhiều trường hợp co giật nửa mặt liên tục, tái phát kéo dài nhiều năm nhưng điều trị sai cách, không dứt điểm bệnh.

Theo bác sĩ Vũ, nguyên nhân chính gây bệnh co giật nửa mặt là do dây thần kinh số 7 (kiểm soát vùng cơ mặt) bị chèn ép, tổn thương bởi mạch máu thần kinh hoặc các tổn thương khác như khối u não. Phần lớn người bệnh chỉ dùng thuốc, chữa trị theo đông y, châm cứu, tiêm botox (còn gọi là botulinum - một loại độc tố thần kinh cực mạnh có tác dụng ức chế cơ mặt), chỉ giúp giảm triệu chứng tạm thời và tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ.

Ca mổ được tiến hành trong thời gian 90 phút. Trong quá trình mổ, bác sĩ theo dõi trực tiếp điện thế thần kinh dây số 7, kiểm tra mức độ đáp ứng trước và sau khi giải ép.

“Tỉ lệ thành công của phương pháp phẫu thuật giải ép vi mạch điều trị bệnh co giật mặt lên đến 90%. Không chỉ giải quyết dứt điểm tình trạng chèn ép dây thần kinh số 7 ở thời điểm hiện tại, mà còn giúp ngăn ngừa nguy cơ tái chèn ép trong tương lai”, bác sĩ Vũ cho biết.

Sau ba ngày phẫu thuật, bà H hồi phục tốt, hết co giật mặt, ăn uống, nói chuyện bình thường. Vết mổ sạch, khô, không xuất huyết, có thể xuất viện trong hai ngày tiếp theo và tái khám sau một tuần.

Bác sĩ Vũ khuyến cáo, những bệnh nhân co giật nửa mặt hoặc cảm giác đau nửa mặt nên đi khám tại chuyên khoa thần kinh. Dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định chụp MRI 3 Tesla để xác định đúng nguyên nhân gây co giật nửa mặt. Nếu phát hiện xung đột mạch máu thần kinh hoặc khối u chèn ép dây thần kinh số 7 thì phẫu thuật là phương pháp điều trị tối ưu. Đây là giải pháp điều trị “trúng đích”, giải quyết tận gốc nguyên nhân, phòng ngừa nguy cơ tái phát, tránh biến chứng nguy hiểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn