MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phú Khánh

Hà Nội không còn xã phường "màu cam", tiếp tục khôi phục các dịch vụ

Phạm Đông LDO | 11/02/2022 19:20
Hà Nội - Theo thông báo cấp độ dịch mới nhất, toàn thành phố Hà Nội có 536 xã phường cấp độ 1, còn lại cấp độ 2, không còn phường cấp độ 3, cấp độ 4 trong phòng chống dịch. 

Chiều 11.2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP Hà Nội đã họp trực tuyến với các quận huyện, thị xã. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng chủ trì phiên họp.

Theo cách đánh giá mới của Bộ Y tế, Hà Nội không đánh giá cấp độ dịch toàn thành phố và các quận, huyện mà chỉ xét xã, phường.

Cụ thể, 536 trên tổng số 579 xã, phường, thị trấn của Hà Nội ở cấp 1 (màu xanh, bình thường mới), chiếm 92,5%. 43 xã, phường cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình). Đặc biệt, không có xã, phường, thị trấn nào được đánh giá cấp độ dịch ở mức cấp độ 3 (nguy cơ cao) hoặc mức cấp độ 4 (nguy cơ rất cao).

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, do không còn xã, phường thuộc cấp độ 3, nên các địa phương cần căn cứ kế hoạch 243 của Thành phố để cho phép mở lại các dịch vụ hoạt động.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn trong đợt dịch thứ 4, Hà Nội hiện có 165.817 ca COVID-19. Thành phố không còn điểm phong toả phòng, chống COVID-19. Hà Nội đang điều trị 65.905 F0 tại các bệnh viện Trung ương, bệnh viện Hà Nội, cơ sở thu dung của thành phố và các quận, huyện. 62.251 người bệnh tự cách ly, điều trị tại nhà.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ, cách đây 2 tháng, thành phố đã có dự báo, dịp Tết có thể dịch bệnh sẽ bùng phát đến 5000-7000 ca/ ngày.

Tuy nhiên với các giải pháp từ lãnh đạo, chỉ đạo đến tiêm vaccine xuyên Tết, ứng dụng công nghệ thông tin, thăm hỏi động viên kịp thời lực lượng tuyến đầu và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị… tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát với con số chưa đến 3.000 ca mắc mới mỗi ngày; tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong thấp.

“Thường trực Thành ủy đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống để đạt được mục tiêu có một kỳ nghỉ Tết an toàn, vui tươi cho người dân”, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh và cho biết sau Tết, số ca mắc COVID-19 mới tiếp tục tăng, trong đó số huyện đang gia tăng theo đúng dự báo của thành phố khi các đơn vị này thường có nhiều phong tục tập quán đầu năm tập trung đông người.

“Từng đơn vị phải rà soát kỹ nguyên nhân dịch bệnh gia tăng, có giải pháp cụ thể. Nỗ lực kiềm chế giảm từng ca một”, Phó Bí thư Thành ủy nêu rõ.

Phó Bí thư Thành ủy nêu việc thành phố đã chuyển đổi nhận thức, thích ứng với tình hình mới; cho mở cửa lại nhiều hoạt động dịch vụ, văn hóa thể thao, tiến tới mở cửa tất cả trường học… Khối lượng công việc rất lớn được đặt ra để đảm bảo an toàn Thủ đô và sức khỏe người dân.

Từ đó, Phó Bí thư Thành ủy lưu ý, trạng thái thích ứng hiện nay không có nghĩa dịch bệnh đã hết. Việc mở cửa sẽ có tâm lý xã hội chủ quan, lơ là trong người dân và cả hệ thống có chiều hướng gia tăng.

Phó Bí thư Thành uỷ cũng nhấn mạnh, các đơn vị phải tiếp tục chuẩn bị kỹ càng cho học sinh lớp 1 đến lớp 6 các quận nội thành đến trường. Tiếp tục tính toán lộ trình mở cửa lại các trường mầm non, đề xuất việc học bán trú để phục vụ người dân, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng.

Từ đó chuẩn bị chu đáo, đảm bảo an toàn cho gần 1 triệu học sinh, sinh viên cao đẳng, đại học, trường nghề quay lại trường học từ 14.2; rà soát, chuẩn bị sẵn để tiêm vaccine cho học sinh, sinh viên các tỉnh thành khác quay lại Hà Nội học tập.

“Không có giải pháp nào hiệu quả hơn thực hiện 5K. Công an thành phố, Sở VHTT cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm phòng dịch”, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn