MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội: Một số cơ sở điện máy bổ sung thêm hàng thiết yếu vì sợ bị đóng cửa

Nguyễn Hà LDO | 27/03/2020 19:10

Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, một số cơ sở điện máy sợ bị đóng cửa đã bổ sung thêm hàng thiết yếu để bán, Sở đã nắm bắt và xử lý.

Nhiều quận huyện chưa hiểu đúng về việc đóng cửa các dịch vụ kinh doanh không cần thiết

Chiều 27.3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngày 26.3, các quận huyện thị xã đã đồng loạt triển khai việc đóng cửa các dịch vụ kinh doanh không cần thiết. Tuy nhiên, do cách hiểu của các quận huyện chưa có sự đồng nhất, thống nhất, dẫn đến UBND một số phường chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn đóng cửa các cửa hàng kinh doanh thương mại, dẫn đến nhiều doanh nghiệp thắc mắc gửi văn bản lên Sở Công Thương, đồng thời cũng có nhiều người dân hoang mang lo ngại các hệ thống phân phối bị đóng cửa.

Siêu thị Big C luôn đầy ắp hàng để phục vụ người tiêu dùng. Ảnh: Cường Ngô 

Theo bà Lan, điều này dẫn đến việc ngày hôm nay (27.3) người dân tiếp tục đi các hệ thống phân phối tăng gấp đôi ngày bình thường, chợ tăng 20-25%, Sở Công Thương phải điện thoại ngay cho các quận huyện, các xã, các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền người dân không tích trữ, các hệ thống phân phối vẫn bình thường và luôn luôn đảm bảo đủ hang hóa cho người dân.

"Trên cở sở đó, một số đơn vị điện máy sợ bị đóng cửa lại đưa thêm hàng hoá thiết yếu vào để bán chung với điện máy nên rất phức tạp, Sở Công Thương đang phối hợp để xử lý" - bà Lan cho biết.

Theo bà Lan, hiện nay trên địa bàn thành phố có 26 trung tâm thương mại. Chỉ có Trung tâm thương mại Tràng Tiền kinh doanh sản phẩm quần áo cao cấp, còn 25 trung tâm thương mại đều có các loại hình kinh doanh thương mại trong đó có cả siêu thị, cửa hàng thời trang, bao gồm cả làm đẹp...

Trên địa bàn Thành phố có 141 siêu thị, 103 siêu thị tổng hợp, 38 siêu thị chuyên doanh, 405 chợ, 495 cửa hàng xăng dầu, 674 cửa hàng gas. Đây là những đối tượng được xem xét để mở cửa bán hàng kinh doanh phục vụ nhu cầu người dân trong chống dịch.

Sáng nay, UBND Thành phố cũng có triệu tập một số đơn vị lên để thống nhất những nội dung những cửa hàng nào có thể mở cửa để phục vụ nhu cầu của người dân. Theo đó, thống nhất chỉ mở cửa siêu thị tổng hợp, mở siêu thị trừ trường hợp ăn uống, vui chơi giải trí, các dịch vụ cafe, làm đẹp. Các chợ với các mặt hàng lương thực thực phẩm, đồ khô vẫn mở bình thường còn các mặt hàng khác cần xem xét ngành nghề kinh doanh. Cửa hàng tiện lợi, tạp hoá, siêu thị mini, chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm, trái cây, hoa quả vẫn mở để phục vụ nhu cầu người dân. 

Kiểm tra cả ngày lẫn đêm

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo chiều 28.3. 

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Chủ tịch UBND các phường xã, quận huyện phải chịu trách nhiệm về việc thường xuyên kiểm tra, có các biện pháp yêu cầu tất cả các loại hình kinh doanh không thiết yếu phải dừng hoạt động. Công an Thành phố phải chỉ đạo Công an các quận, phường kiểm tra cả ngày lẫn đêm, không tập trung đông, dừng hoạt động một cách nghiêm túc.

"Trong 1, 2 ngày vừa qua người dân vẫn phản ánh về việc các hàng quán, các quán trà chanh, cà phê, cửa hàng điện máy đề nghị phải dừng nghiêm túc, đặc biệt là các quán nước chè vỉa hè" - ông Chung chỉ đạo. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn