MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cách ly y tế tạm thời khu vực ngõ 651 Minh Khai và một số điểm lân cận từ 17h ngày 1.8 sau khi có 20 ca nghi dương tính SARS-CoV-2 trên địa bàn. Ảnh: Hà Phương

Hà Nội: Tách F0 ra khỏi cộng đồng để chặn đường lây nhiễm COVID-19

AN AN LDO | 03/08/2021 15:09
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và trong khu vực, ngay cả những nước đã triển khai tiêm vaccine với tỉ lệ bao phủ cao cho người dân thì số lượng ca nhiễm vẫn gia tăng.

Biến thể Delta khiến số ca TPHCM tăng nhanh

TPHCM đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đối diện với làn sóng COVID-19 lần thứ 4. Hệ thống y tế hàng đầu đất nước đang phải chống chịu những khó khăn chồng chất với gánh nặng bệnh nhân nhập viện và thiếu nhân lực y tế, thiếu trang thiết bị y tế. Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đợt chi viện nhân lực, trang thiết bị y tế và phương tiện phòng hộ cho thành phố và các tỉnh phía nam.

Bắt đầu làn sóng thứ 4, diễn biến dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu với những trường hợp phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Ngày 1.6 TPHCM ghi nhận 51 ca, trong đó có nhiều ca được phát hiện trong cộng đồng. Các biện pháp phòng dịch được áp dụng quyết liệt, song số lượng ca mắc mới tăng lên hàng tuần, từ vài chục lên đến vài trăm. Đến 5.7.2021, số ca mắc mới là 641 ca, ngày 10 tháng 7 số ca lên trên 1000 ca trong 24 giờ. Tiếp đó số lượng ca mắc mới tăng cao, riêng ngày 15.7 TPHCM ghi nhận 2691 ca mắc mới, sau đó 4795 và 4282 ca mới được nghi nhận vào ngày 20.7 và 30.7. Tình hình ghi nhận tại TPHCM kéo theo số ca mới mắc của cả nước tăng cao, luôn đạt mức khoảng 8000 đến 9000 ca mới mỗi ngày.

Biểu đồ số ca mắc mới theo ngày Việt Nam (nguồn Worldometers ngày 02 tháng 8 năm 2021).

Hà Nội còn nhiều việc phải làm để chặn đứng đường lây

Những ngày gần đây, những ca mắc mới phát hiện trong cộng đồng tại Hà Nội tăng nhanh. Những thông tin này báo hiệu trong tháng 8, Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm.

Tách những ca F0 ra khỏi cộng đồng là việc làm khẩn cấp. Khi đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt mà vẫn còn nhiều ca mắc trong cộng đồng là dấu hiệu quan trọng để Hà Nội phải cảnh giác với diễn biến khó lường trong thời gian tới. Mặc dù Hà Nội đã áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ, chỉ thị 17 của Ủy ban nhân dân Thành phố, tuy nhiên tín hiệu về những ca mắc mới được phát hiện trong cộng đồng báo động cho chúng ta biết rằng phải tiếp tục cảnh giác và thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn nữa.

Vào đầu làn sóng COVID-19 lần 4, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 và Bộ Y tế đã nhấn mạnh, chiến lược chuyển từ thế “phòng ngự” sang "tấn công". Biến chủng của Anh lây lan nhanh gấp 170% chủng ban đầu, nhưng biến chủng Delta (Ấn Độ) còn nhanh hơn, đặc biệt là khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí.

Thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tối đa ra ngoài nếu không có lý do thiết yếu, nhưng sự lây lan nhanh của biến chủng Delta khiến chúng ta phải phát hiện nhanh nhất có thể những trường hợp F0 và tách F0 ra khỏi cộng đồng sớm nhất có thể. Theo kinh nghiệm tại TPHCM biến chủng Delta có tỉ lệ lây lan rất cao, trong thực tế cứ 1 trường hợp F0 sẽ có thể lây lan nhanh chóng cho cả gia đình.

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại các khu công nghiệp tại Bắc Ninh và Bắc Giang trong khoảng thời gian tháng 5 và tháng 6 năm 2021 và trong giai đoạn này tại Hà Nội.

Biện pháp quyết liệt để tách F0 ra khỏi cộng đồng bao gồm sàng lọc, truy vết và chủ động xét nghiệm. Đặc biệt, chúng ta cần triển khai xét nghiệm tất cả những đối tượng có yếu tố nguy cơ, những người có triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt… những người nằm lâu trong bệnh viện, xét nghiệm chủ động định kỳ những người làm việc tại cơ quan, cơ sở sản xuất, cơ sở y tế.

Thêm vào đó, có thể tiến hành xét nghiệm tất cả những người có nhu cầu đi ra ngoài, tham gia vào công việc có sự giao tiếp và tiếp xúc với nhiều người. Đảm bảo các giao tiếp ngoài cộng đồng là an toàn, mọi việc cần được sắp xếp có kế hoạch, người ra đường cần được làm xét nghiệm và có kết quả âm tính.

Kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới về mô hình truy vết và xét nghiệm ở Châu Á phải nhắc đến là Hàn Quốc với dân số 51 triệu người, một đất nước phát triển với mật độ dân số đông, nhiều thành phố là trung tâm kết nối các nền kinh tế lớn trên thế giới với Châu Á.

Hàn Quốc không triển khai đóng cửa hoàn toàn đất nước, nhưng với nhiều biện pháp phối hợp, đặc biệt là xét nghiệm sàng lọc toàn dân. Kết quả là trong 4 làn sóng COVID-19 đã diễn ra, tổng số ca nhiễm hàng ngày chỉ vài trăm người, số lượng cao nhất cũng chỉ đạt xấp xỉ 2000 ca/ngày.

Một số nước cũng thành công trong việc kiểm soát số ca nhiễm mới như Đức (66 triệu xét nghiệm/83 triệu dân), Đan Mạch 12 triệu xét nghiệm/1 triệu dân, tính trung bình các nước này thực hiện khoảng 800.000 đến 1,5 triệu xét nghiệm/1 triệu dân.

Biểu đồ số ca mắc mới theo ngày ở Hàn Quốc (nguồn Worldometers).

Xét nghiệm nhanh chóng, triệt để, đảm bảo tất cả các đối tượng nguy cơ, có yếu tố dịch tễ, công việc đòi hỏi sự giao tiếp, tiếp xúc với nhiều người, những người làm việc trong không gian chung như nhà máy, xí nghiệp, cơ quan và bệnh viện đều được xét nghiệm định kỳ sẽ giúp tìm và tách tối đa những ca nhiễm ra khỏi cộng đồng.

Các biện pháp như vậy cùng với việc giãn cách xã hội mạnh mẽ, xây dựng mỗi gia đình, mỗi khu phố, mỗi tầng, mỗi tòa nhà chung cư, mỗi cơ quan, xí nghiệp như một pháo đài luôn sẵn sàng chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2, tất cả những giải pháp này sẽ làm giảm hệ số lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 và đẩy lùi làn sóng thứ 4.

Song song với các biện pháp quyết liệt nhằm phát hiện và tách F0 ra khỏi cộng đồng, chặt đứt con đường lây nhiễm của virus SARS-Cov-2, chúng ta sẽ không quên chuẩn bị tốt mọi kịch bản ứng phó với làn sóng COVID-19 lần thứ tư phức tạp và nguy hiểm nhất từ trước đến nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn