MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hàng loạt bệnh nhân nhập viện do nâng ngực tại viện thẩm mỹ Wonjin

Nhóm PV LDO | 16/05/2023 17:57

Hiện tại chưa có bằng chứng y văn nào trên thế giới về nâng ngực đệm mô lipid hay sử dụng sóng xung kích, thế nhưng Viện thẩm mỹ Wonjin (93 Tô Hiệu, Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn ngang nhiên sử dụng mạng xã hội quảng cáo rầm rộ về những phương pháp nâng ngực không tưởng, khiến nhiều nạn nhân sập bẫy.

Hàng loạt bệnh nhân nhập viện do nâng ngực không cần phẫu thuật

Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thời gian gần đây, liên tục tiếp nhận các trường hợp nữ bệnh nhân gặp biến chứng khi “nâng ngực đệm mô lipid”, “nâng ngực bằng sóng xung kích” theo quảng cáo của các thẩm mỹ viện.

Chị Lê Thị Kim Thoa (27 tuổi, Bắc Giang) tìm tới phương pháp “nâng ngực đệm mô lipid” không cần phẫu thuật, không đau đớn, ngực đẹp nhanh theo lời quảng cáo của Thẩm mỹ viện Wonjin.

Theo chị Thoa, trước khi thực hiện nâng ngực, thẩm mỹ viện này cam kết nâng ngực không xâm lấn, không dùng thủ thuật, không can thiệp dao kéo, chỉ dùng máy tác động bên ngoài để kích các mô mỡ ngực phát triển. Sau đó, sẽ cấy mô các sợi collagens nhập khẩu vào mô mỡ dưới da bằng đầu cấy nano chuyên dụng.

Thế nhưng, họ gây tê để tiến hành thủ thuật. Chị Thoa cho biết, đã tận thấy người của thẩm mỹ viện tiêm khoảng 10 xilanh dung dịch có màu trắng vào người. Khi yêu cầu thẩm mỹ viện cho biết chất lỏng đã tiêm nhưng nhân viên từ chối với lý do đó là sản phẩm độc quyền, không thể tiết lộ. 14 ngày sau, chị Thoa cảm thấy ngực có hai khối cứng bất thường, nên đã tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thăm khám.

Được biết, ngoài chị Thoa, còn rất nhiều các nạn nhân khác từng sử dụng dịch vụ nâng ngực không xâm lấn tại Thẩm mỹ viện Wonjin 93 Tô Hiệu, Cầu Giấy nhưng nghi ngờ bị tiêm chất lạ, cũng đã đến khám tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và có kết quả tương tự.

Kết quả chụp chiếu của chị H tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Ảnh: NVCC 

Chưa có phương pháp nâng ngực không phải phẫu thuật

Trao đổi với Lao Động, TS.BS Phạm Ngọc Minh - Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - khẳng định, các phương pháp sử dụng sóng, dùng huyết tương giàu tiểu cầu… không thể tạo hình một khuôn ngực đẹp, đầy đặn. Ngược lại, có thể gây ra biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ và thẩm mỹ.

“Hiện tại chưa có bằng chứng y văn nào trên thế giới về nâng ngực bằng huyết tương PRP, bằng mỡ lấy từ máu hay sử dụng sóng" - TS.BS Phạm Ngọc Minh nói.

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân bị biến chứng sau khi nâng ngực ở spa. Ảnh: Bệnh viện 108 cung cấp

Đồng quan điểm, ThS.BS Phạm Duy Linh - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - khẳng định, tại Việt Nam, có 2 phương pháp nâng ngực phổ biến được cấp phép từ Bộ Y Tế là nâng ngực bằng túi độn hoặc cấy mỡ tự thân để làm đầy ngực.

Lợi dụng tâm lý khách hàng muốn làm đẹp nhưng không muốn động chạm dao kéo, can thiệp phẫu thuật, một số cơ sở thẩm mỹ đã tung ra những chiêu trò quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội. Cụ thể như: làm đẹp vòng 1 bằng công nghệ mới nhất, không xâm lấn, không đau, không cần nghỉ dưỡng, làm một làm lần nhưng sử dụng trọn đời, chi phí rẻ… gây ra hậu quả khôn lường.

Vị bác sĩ cho biết, gần đây, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại bệnh viện tiếp nhận một số trường hợp bị biến chứng sau nâng ngực không cần phẫu thuật, tiêm noãn thực vật, sử dụng sóng siêu âm, sóng xung kích làm đầy ngực. Những bệnh nhân này vào viện trong tình trạng xuất hiện những khối, cục bất thường ở vùng ngực với tình trạng sưng nề, tấy đỏ thậm chí là chảy dịch.

Điều này khiến dư luận đặt ra nghi vấn về việc ngang nhiên quảng cáo sai sự thật của Viện thẩm mỹ Quốc tế Wonjin.

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn