MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật tim bẩm sinh bằng kỹ thuật ít xâm lấn. Ảnh: BVCC

Hàng trăm trẻ mắc tim bẩm sinh được cứu sống nhờ phương pháp mới

Thùy Linh LDO | 17/08/2023 17:34

Sau cuộc phẫu thuật tim bẩm sinh bằng kỹ thuật ít xâm lấn khi bé H.T, 3 tháng tuổi với vết mổ ở nách phải rất nhỏ, chỉ khoảng 4cm và em bé đã bình phục nhanh chóng, đã khiến gia đình vỡ oà trong hạnh phúc.

Bệnh nhi H.T (3 tháng tuổi ở Ý Yên, Nam Định) là trường hợp thứ 699 mắc tim bẩm sinh được các bác sĩ Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Nhi Trung ương sửa chữa tổn thương thông liên thất bằng kỹ thuật ít xâm lấn qua đường nách bên phải.

Trước đó, bệnh lý thông liên thất khiến bé H.T bú kém, mồ hôi nhiều, thở bị hóp bụng, không nuốt được, thường xuyên trào sữa ra ngoài khi bú. Sau phẫu thuật, bé H.T ăn uống tốt hơn, nhanh chóng bình phục sức khỏe. 9 ngày sau phẫu thuật bé đã được xuất viện trong niềm hân hoan của gia đình và các y bác sĩ.

Trường hợp thứ 700 là bệnh nhi 10 tháng tuổi, nặng 5,5 kg mắc bệnh tim bẩm sinh (Tứ chứng Fallot) đã được đích thân Giáo sư Kotani – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Okayama, Nhật Bản (người trực tiếp chuyển giao công nghệ cho các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương) và TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Giám đốc Trung tâm Tim mạch thực hiện trong sáng 7.8.2023 vừa qua.

Ca phẫu thuật kết thúc lúc 15 giờ cùng ngày, ghi dấu mốc ca bệnh thứ 700 được phẫu thuật tim thành công bằng kỹ thuật ít xâm lấn qua đường nách tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Là người trực tiếp được nhận chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Đại học Okayama, Nhật Bản 5 năm trước, TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Đường mổ mới và kỹ thuật mổ đặc biệt khiến chúng tôi vô cùng thích thú khi nhận chuyển giao.

BS Trường cùng chuyên gia về phẫu thuật tim bẩm sinh người Nhật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Mổ qua đường nách bên phải cho các bác sĩ một cách nhìn hoàn toàn khác so với đường mổ giữa. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp này bởi nếu không thể sửa chữa tất cả tổn thương của bệnh nhi như đường mổ giữa, thì việc mổ qua đường nách sẽ thất bại.

"Tiêu chí hàng đầu của chúng tôi là bảo đảm an toàn cho bệnh nhi và mọi tổn thương trong tim được sửa chữa như phẫu thuật đường giữa thì mới chỉ định kỹ thuật này”- BS Trường nói.

TS.BS Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết: Phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách bên phải được các chuyên gia của Bệnh viện Trường đại học Okayama, Nhật Bản chuyển giao cho Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm 2018 và được các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch thực hiện độc lập từ năm 2018 đến nay.

Trước đó, để thực hiện phẫu thuật tim hở, các bác sĩ chỉ có 1 phương pháp tiếp cận đến tim qua đường mổ dọc toàn bộ xương ức ở giữa ngực theo đường mổ kinh điển. Cách mổ này để lại sẹo mổ dài trước ngực và có thể có một số biến chứng khi tiến hành tách xương ức, thời gian hậu phẫu dài, trẻ phải chịu đau đớn hơn sau phẫu thuật.

“Khi thực hiện phẫu thuật tim bằng kỹ thuật ít xâm lấn, hầu hết các bệnh nhi đều được tiến hành giảm đau tại chỗ, giúp giảm đau hiệu quả và giảm tỉ lệ sử dụng các thuốc an thần – giảm đau khác theo đường tĩnh mạch.

Phần lớn các bé đều được rút ống nội khí quản trong vòng 6 giờ đầu sau phẫu thuật và có thể rút ống nội khí quản đồng thời tự thở ngay tại phòng mổ ” – TS.BS Cao Việt Tùng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn