MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên y tế tư vấn trước khi tiêm COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế

Hiểu đúng về vaccine COVID-19 AstraZenneca

Thùy Linh LDO | 18/03/2021 12:44
Trước thông tin một số nước đang tạm hoãn tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca, nhiều người đã muốn tìm hiểu thêm về loại vaccine này.

Phản ứng sau tiêm vẫn trong giới hạn mà nhà sản xuất đưa ra

Trả lời về những lo ngại này, bác sĩ Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, những phản ứng sau tiêm vaccine mà Việt Nam gặp phải trong giới hạn mà nhà sản xuất đưa ra.

Một số người chủ trương bàn lùi hay thôi không tiêm nữa cho khỏi lo ngại. Các chuyên gia cho rằng đúng là không tiêm thì không phản ứng, nhưng cũng không có miễn dịch trong bối cảnh nhiều nước đang tích cực thực hiện các chiến dịch tiêm chủng để nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng. Việt Nam không thể là một ốc đảo của thế giới nếu chúng ta do dự. Vậy tiêm sao cho an toàn? Ai tiêm thì an toàn?

Bác sĩ Thái cho biết không có thuốc hay vaccine nào tuyệt đối an toàn cho tất cả mọi người nhưng nếu tiêm sẽ bảo vệ người được tiêm và cả cộng đồng trước đại dịch.

Phân tích kỹ hơn về điều này theo bác sĩ Phạm Quang Thái, nếu ai đó có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào trong vaccine, hoặc dị ứng với liều tiêm trước đó, họ sẽ không được phép tiêm.

Bên cạnh đó, những người có cơ địa dị ứng hoặc bệnh lý có sẵn cần phải tiêm tại bệnh viện với sự theo dõi y tế nghiêm ngặt. Nếu không có những vấn đề đó, những người lớn có thể tiến hành tiêm vaccine mà không cần lo ngại bất trắc.

Cần làm gì để tránh sự cố?

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, theo bác sĩ chuyên môn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các cơ sở tiêm chủng cần chuẩn bị đội cấp cứu được trang bị kỹ năng chống phản vệ.

Ngoài ra, bản thân những người tiêm vaccine COVID-19 cũng cần phối hợp tốt với các cán bộ tiêm chủng trong công tác cung cấp thông tin. Kinh nghiệm cho thấy vẫn còn những trường hợp cung cấp thông tin chưa đầy đủ về tiền sử dị ứng tới bác sĩ khám sàng lọc và chỉ khi có vấn đề thì mới lần ngược lại tình huống để đánh giá. Về phía Bộ Y tế, cần tiếp tục có những điều chỉnh cần thiết để việc khám sàng lọc được kỹ càng hơn.

Trên thế giới, cũng có một số nước tạm ngưng tiêm chủng vì có một vài thông tin bất lợi, thế nhưng cho đến giờ ngay cả nước Anh, nơi vaccine này được phát minh ra, chính phủ cũng đã khẳng định không có bằng chứng nào về mối quan hệ nhân quả giữa tình trạng phản ứng nặng với tiêm chủng.

Ðây cũng là lý do khiến Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khuyến cáo tiêm chủng. Phản ứng sau tiêm là một phần của tiêm chủng bởi đó là cơ chế mà cơ thể đáp ứng lại khi gặp đối tượng lạ mà cũng nhờ đó ta có được miễn dịch.

Nếu chúng ta hiểu rõ về bản chất, sẵn sàng đáp ứng và đáp ứng kịp thời thì sẽ không bị gián đoạn tiêm chủng cũng như gián đoạn mọi nỗ lực hướng tới trạng thái bình thường mới đúng nghĩa: du lịch quốc tế, giao lưu kinh tế... lại sôi động như trước đây. Việt Nam đã qua bao ngày mong chờ có được những liều đầu tiên vaccine phòng COVID-19. Và cho đến giờ, vaccine vẫn là giải pháp tốt nhất để vượt qua cơn khủng hoảng này.

Thông tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR) quốc gia cho hay, ngày 17.3, có thêm 3.359 người được tiêm chủng vaccine COVID-19. Như vậy, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 24.054 người là cán bộ, nhân viên y tế.

Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2 (Hải Phòng), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Dã chiến Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã kết thúc tiêm vaccine COVID-19 trong đợt này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn