MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung tâm y tế huyện Thạch Thất tổ chức tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho cán bộ, chiến sỹ công an huyện. Ảnh: Sở Y tế

Hiệu lực bảo vệ của tiêm mũi 3 vaccine COVID-19 kéo dài bao lâu?

Phạm Đông LDO | 30/12/2021 09:06

Nói về việc tiêm vaccine mũi 3 phòng COVID-19, chuyên gia y tế cho biết nồng độ kháng thể sẽ giảm sau khi tiêm mũi cuối cùng từ 4 tháng đến 6 tháng vì vậy người dân phải tiêm mũi nhắc lại sau 3 tháng. Đối với người cần tiêm mũi bổ sung thì tiêm sau 28 ngày.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 9509/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về cung cấp vaccine phòng COVID-19.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế nghiên cứu các đề nghị của doanh nghiệp về việc cung cấp vaccine phòng COVID-19 để có phương án phù hợp, bảo đảm đủ vaccine tiêm mũi tăng cường, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả và đúng quy định.

Với sự xuất hiện của biến thể Omicron đang lan rộng ở nhiều quốc gia, nhu cầu về một mũi vaccine COVID-19 tăng cường đang trở nên cấp bách.

Nói về việc tiêm vaccine mũi 3, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, có loại vaccine hiệu quả bảo vệ rất cao và kháng thể tồn tại lâu trong cơ thể (có thể suốt đời). Tuy vậy, vaccine phòng COVID-19 hiệu quả bảo vệ không thật cao như mong muốn. Bởi theo công bố của các nhà sản xuất có loại 70% có loại đến 90%...

Đặc biệt, nồng độ kháng thể sẽ giảm sau khi tiêm mũi cuối cùng từ 4 tháng đến 6 tháng, vì vậy người dân phải tiêm mũi nhắc lại sau 3 tháng. Đối với người cần tiêm mũi bổ sung thì tiêm sau 28 ngày.

Về câu hỏi có còn tiêm tiếp các mũi sau mũi 3, khi xuất hiện thêm biến thể mới không, ông Trần Đắc Phu cho biết, việc tiêm mũi 4, 5, 6… còn tùy theo tình hình dịch cũng như vấn đề cung ứng vaccine. Ví dụ như bệnh cúm thì tiêm vaccine hằng năm.

Về hiệu lực bảo vệ của mũi 3 vaccine, chuyên gia y tế cho biết, hiện chưa có một khuyến cáo chính thức hay nghiên cứu nào xác định hiệu quả bảo vệ sau mũi 3 kéo dài bao lâu. Có thể chúng ta sẽ phải thực hiện tiêm nhắc, giống tiêm chủng cúm mùa hằng năm hoặc có thể ngắn hơn hay kéo dài hơn.

Theo chuyên gia y tế, các mũi tiêm nhắc có thể cần thiết và kéo dài khả năng miễn dịch, đặc biệt ở một số nhóm người nhất định như người suy giảm miễn dịch, có bệnh nền...

Về hệ thống miễn dịch khi được tiêm vaccine tăng cường, Sở Y tế Hà Nội cho biết, đối với một số mầm bệnh, việc đáp ứng miễn dịch có sẵn - ví dụ, ở dạng mức kháng thể có thể đo lường được - là yếu tố quan trọng để đạt được hiệu quả. Vì vậy, khi mức độ kháng thể suy giảm tự nhiên theo thời gian, cần phải được tăng cường.

Đối với các mầm bệnh khác, như virus viêm gan B, việc hoàn thành loạt ba mũi tiêm chủng có khả năng bảo vệ suốt đời, do đó, mức độ kháng thể có thể đo được không được kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, nếu nguy cơ lây nhiễm cao hơn, như đối với nhân viên y tế, việc kiểm tra nồng độ kháng thể ít nhất một lần và tiêm vaccine tăng cường nếu phát hiện thấy kháng thể thấp có thể rất quan trọng.

Theo ngành y tế, vaccine COVID-19 vẫn mang lại hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng nặng và tử vong, nhưng chúng không đạt được hiệu quả 100%. Đặc biệt, ở những vùng có tỷ lệ nhiễm cao do tỷ lệ tiêm phòng thấp, người được tiêm chủng dễ bị phơi nhiễm với virus và bị lây nhiễm đột biến. Do các biến thể có khả năng lây truyền cao, chúng ta sẽ cần tiêm liều vaccine tăng cường.

"Theo Tổ chức Y tế thế giới, liều vaccine tăng cường được sử dụng cho dân số đã hoàn thành đợt tiêm chủng chính (hiện tại là một hoặc hai liều tùy thuộc vào loại vaccine) khi theo thời gian, khả năng miễn dịch và khả năng bảo vệ lâm sàng suy giảm. Mục tiêu của liều tăng cường là khôi phục hiệu quả của vaccine đã bị suy giảm" - Sở Y tế thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn