MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm phòng COVID-19 cho cán bộ y tế. Ảnh: Hải Nguyễn

Hộ chiếu vaccine: Có thể có khó khăn và rủi ro, phải bàn thảo thật kỹ càng

Thùy Linh LDO | 07/04/2021 21:24
Hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam đều bày tỏ kỳ vọng vào giải pháp “hộ chiếu vaccine” để có thể khôi phục lại các đường bay quốc tế thường lệ trong thời gian sớm nhất. Nhiều người lo ngại việc đẩy nhanh áp dụng "hộ chiếu vaccine" có phải là phương án an toàn hay không, khi mà tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp?

Có thể có khó khăn và rủi ro

Chia sẻ với phóng viên Lao Động chiều 7.4, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng - cho rằng, muốn phục vụ mục tiêu kép thì việc áp dụng "hộ chiếu vaccine", chứng nhận tiêm chủng, mở rộng tiêm chủng COVID-19 là chủ trương cần thiết.

"Thủ tướng, Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo, đã giao cho Viettel, các cơ quan công nghệ thông tin, các bộ ngành, Bộ Y tế xây dựng dữ liệu và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phần mềm... để có thể lưu lại dữ liệu của người tiêm, có thể quản lý được những người đã tiêm chủng, cấp chứng nhận tiêm chủng cho họ, hơn nữa, làm sao kiểm soát được hộ chiếu của những người nhập cảnh vào Việt Nam"- PGS Phu nói.

Theo ông, vừa qua, Phó Thủ tướng cũng giao cho Bộ Y tế nghiên cứu phương án ưu tiên cho những người có hộ chiếu vaccine mà họ là lao động lành nghề, chuyên gia, kể cả những người ở Việt Nam ở nước ngoài khi về nước, cách thức quản lý, hình thức cách ly sau nhập cảnh làm sao cho phù hợp. Hiện nay, Bộ Y tế đang nghiên cứu hình thức cách ly phù hợp cho những người có "hộ chiếu vaccine".

Vaccine COVID-19 của AstraZeneca về Việt Nam. Ảnh: Bộ Y tế

Hiệu lực của vaccine là quan trọng nhất

Một số ý kiến cho rằng, việc hộ chiếu vaccine phải là loại vaccine được WHO công nhận. Như vậy, nếu 1 quốc gia tự công bố có vaccine, người dân nước đó được tiêm vaccine và được cấp hộ chiếu vaccine thì có đủ điều kiện để hưởng chế độ "hộ chiếu vaccine" hay không?

Theo quan điểm của vị chuyên gia này, không phải vaccine COVID-19 nào được cấp phép tại Việt Nam thì Việt Nam mới công nhận. Mà vấn đề là phải căn cứ vào hiệu lực của vaccine mới là quan trọng nhất. Nếu một loại vaccine COVID-19 mà Việt Nam chưa cấp phép nhưng các nước khác sử dụng mà có hiệu lực, chúng ta cũng phải công nhận.

"Tôi rất ủng hộ hộ chiếu vaccine nhưng theo tôi để áp dụng hộ chiếu vaccine thì phải bàn thật kỹ để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra. Ví dụ, các loại vaccine có hiệu lực không giống nhau, có loại vaccine hiệu lực cao, nhưng có loại hiệu lực lại chưa cao"- ông đặt vấn đề.

Hơn nữa, theo PGS Phu, hiện nay vẫn chưa chứng minh được khả năng làm giảm sự lây bệnh của vaccine ra sao, một số loại chỉ có khả năng làm giảm các triệu chứng nặng hoặc giảm nguy cơ tử vong.

PGS.TS Trần Đắc Phu. Ảnh: VGP/Đình Nam

"Rồi vấn đề sau tiêm chủng đó bao lâu mới có kháng thể, kháng thể tồn tại được bao lâu? Vấn đề biến chủng virus, biến thể hiện nay chưa vô hiệu hóa vaccine nhưng nếu một khi xuất hiện chủng virus biến thể làm vô hiệu hóa vaccine thì phải làm sao? Rồi cả vấn đề hộ chiếu vaccine giả... cũng đều phải kiểm soát chứ không thể chủ quan được".

"Khi triển khai hộ chiếu vaccine, cần phải triển khai mô hình thí điểm trước. Ví dụ, triển khai theo mô hình du lịch “ít tiếp xúc”, hoặc phải nâng cao tỉ lệ tiêm chủng của người dân để tạo được miễn dịch cộng đồng ở một vùng nào đó và chỉ những người có hộ chiếu vaccine được đi du lịch đến đó. Tất cả điều đó cần phải được Bộ Y tế cùng với các bộ, ngành bàn thảo với nhau thật kỹ càng"- Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cho biết thêm: Hiện chúng ta vẫn chưa biết khả năng giảm lây bệnh của vaccine COVID-19 như thế nào, đơn cử như ở Mỹ, có những trường hợp tiêm vaccine vẫn mắc COVID-19.

"Đây là vấn đề rủi ro, Việt Nam muốn áp dụng hộ chiếu vaccine thì phải giải quyết các rủi ro như vậy, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Ví dụ, có một ca mắc COVID-19 xâm nhập vào qua đường nhập cảnh trong khi ở nước ta, việc tiêm chủng chưa được nhiều, ít người bị mắc bệnh nên chưa có miễn dịch cộng đồng thì nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn"- PGS Phu cảnh báo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn