MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhi mắc bệnh hô hấp, ho kéo dài, nằm phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ly

Ho dai dẳng đeo bám nhiều trẻ em vào tháng giao mùa

HƯƠNG SƠN LDO | 07/01/2024 20:21

TPHCM - Giai đoạn hiện tại, thời tiết các tỉnh khu vực phía Nam trở nên hanh khô, nóng ẩm thất thường khiến các bệnh về hô hấp, đặc biệt là ho dai dẳng đeo bám nhiều bệnh nhi.

Chị Nguyễn Hải Trang (Quận 8, TPHCM) có con nhỏ được 10 tháng tuổi, những ngày qua, con chị luôn trong tình trạng ho kéo dài, có lúc ho cả đêm, khiến chị mỗi lần nghe thấy tiếng ho của con vô cùng sốt ruột.

Theo chị Trang, thời gian đầu, con mới ho, chị thường đến cửa hàng thuốc gần nhà để mua thuốc cho con uống, nhưng đến ngày thứ 4, con không hết ho, chị mới đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM khám. Chị Trang cho biết thêm, bé ho vì liên quan đến bệnh viêm đường hô hấp trên, ho kéo dài khiến bé thức giấc về đêm, ngủ không yên, cáu gắt liên tục…

“Tôi cũng thỉnh thoảng bị ho nên hiểu cảm giác khó chịu của con, nhưng cơ thể tôi chắc do lớn nên uống thuốc vài ngày là hết, còn đối với trẻ nhỏ cần kiên trì hơn”, chị Trang chia sẻ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cũng vừa phát cảnh báo vào giai đoạn cuối năm là thời điểm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có khả năng tăng cao, trong đó bao gồm cả COVID-19, cúm gia cầm H5N1.

Bên cạnh đó, nhu cầu giao thương, du lịch vào cuối năm cũng tăng cao là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan.

PGS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM, cho rằng trong giai đoạn chuyển từ mùa đông sang xuân, thời tiết ở miền Bắc và các tỉnh phía Nam đều có sự thay đổi. Trong những năm gần đây, yếu tố dịch bệnh đã có những biến động, đặc biệt khi nhiều trẻ em và người lớn đều mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, dẫn đến tình trạng như cảm cúm, mệt mỏi và ho kéo dài.

Một số trường hợp bệnh nhân, sau khi khám bệnh cho kết quả dương tính cùng lúc với nhiều loại virus, trong đó có virus cúm thông thường và cả virus SARS-CoV-2. Điều này cho thấy, có sự khác biệt so với những năm trước, khi người bệnh thường chỉ mắc một loại virus duy nhất.

Theo PGS Trần Văn Ngọc, với sự lưu hành đồng thời của nhiều loại virus, không khó để người bệnh, sau khi mắc một loại virus, tiếp tục bị nhiễm thêm loại virus khác, gây ra tình trạng bệnh kéo dài, trong đó có triệu chứng ho.

Đối với những triệu chứng bệnh kéo dài mà không rõ chính xác nguyên nhân, bác sĩ Ngọc khuyến cáo rằng những trường hợp nhẹ (như ho, sổ mũi, nhức đầu, đau nhức cơ thể...) nên sử dụng thuốc cảm thông thường.

Trong trường hợp có triệu chứng sốt cao từ 38,5 - 39 độ C, ho khạc kèm theo đờm mủ xanh/vàng, hoặc đối với những người có cơ địa suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng, kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn