MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hạn chế mổ xếp lịch để ưu tiên mổ cấp cứu từ ngày 1.3.2023. Ảnh: PV

Hoãn mổ tại Bệnh viện Việt Đức: Bệnh nhân nín nhịn cơn đau, chờ lịch mổ

Nhóm PV LDO | 03/03/2023 12:51

Hà Nội - Bị tai nạn, gãy xương đùi, anh Nghiêm Xuân Mạnh, 37 tuổi, Yên Bái chuyển tuyến xuống Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ ngày 27.2, nhưng theo dự kiến, phải đến ngày 8.3 anh mới có thể phẫu thuật. Nín nhịn cơn đau, anh và mẹ cũng chỉ biết vật vờ ngoài lán chờ vì không được nhập viện.

Nín nhịn cơn đau, chờ lịch mổ

Nằm co ro trên xe cán bệnh viện, anh Nghiêm Xuân Mạnh, 37 tuổi, quê Yên Bái, cứ cách vài phút lại nhăn mặt vì đau. 

Cơn đau từ vùng xương đùi lan khắp người nhưng anh chẳng hé nửa lời. Thấy con nhăn mặt, bà H - mẹ anh Mạnh, cũng chỉ biết lại gần động viên con. 

Ngày 27.2, lặn lội hàng trăm cây số từ vùng cao Yên Bái xuống Hà Nội, Bà H hi vọng con mình sớm được mổ để vượt qua cơn đau âm ỉ. Nhưng khi nghe tin phải chờ đến ngày 8.3 để mổ, bà H không khỏi bần thần.

Mẹ con anh Xuân Mạnh nằm chờ vạ vật tại lán chờ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: PV

Dù luôn miệng động viên con trai, nhưng ánh mắt của bà cũng nói lên tất cả sự lo âu. “Lúc đầu chưa ấn định được ngày mổ, mình cũng đứng ngồi không yên. Giờ xin được giấy chuyển tuyến, đến tận đây rồi mà lại quay về thì nghĩ cũng tội. Giờ phải chịu thôi chứ biết làm thế nào", bà H kể.

Không thể nhập viện do chưa đến ngày mổ. Tiền không có, tuổi già sức yếu, lại cộng thêm anh Mạnh khó di chuyển nên mẹ con anh Mạnh cũng chỉ biết nằm vật vờ chờ phía ngoài bệnh viện. 

"Chân nó đau, khó di chuyển với lại hết tiền nên tôi chẳng thể đi đâu. Có tạm chỗ nhà chờ bệnh viện này thì nằm chờ. Nhiều người ngồi đây kêu than vì mãi không có lịch mổ. Mình xếp được lịch cũng là may mắn hơn họ rồi. Chỉ mong con được mổ sớm thì con đỡ khổ, mình đỡ sốt ruột", bà H. giãi bày.

Thời gian chờ của anh Mạnh cũng chưa là gì so với vợ chồng chị Mến (tên nhân vật đã được thay đổi). Cánh tay trái không thể cử động vì đứt dây thần kinh nên anh T, chồng chị Mến đặt hết niềm tin vào bệnh viện tuyến cuối.

Suốt 2 tháng ròng rã chờ lịch mổ, chồng chị Mến không thể làm gì vì tay bị đứt dây thần kinh. Ảnh: PV

Thế nhưng, người tính không bằng trời tính. Hằng tuần, vợ chồng chị Mến khăn gói lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám, lại khăn gói quay trở về để chờ ngày bác sĩ sắp lịch mổ. Vòng lặp ấy cứ diễn ra suốt 2 tháng khiến anh T. không thể làm bất cứ việc gì với cánh tay của mình.

“Mình lên khám từ hồi trước Tết, nhưng bác sĩ nói do thiếu kính vi phẫu để mổ, và tay của anh chưa mổ được nên bác sĩ không cho nhập viện. Chỉ đến gần ngày mổ, bác sĩ mới gọi lên để nhập viện”, chị Mến nói.

Thấy vợ kể khổ, anh T cũng thở dài, “Đằng đẵng suốt 2 tháng tôi có làm ăn được gì đâu. Bác sĩ nói gì cũng chỉ biết nghe đó”.

Tại lán chờ của bệnh viện, nhiều bệnh nhân cũng có hoàn cảnh mòn mỏi chờ xếp lịch mổ.

Tuổi cao sức yếu, để nằm chờ đến khi được xếp lịch mổ, bà Phạm Thị Hoà (Nam Định) chỉ biết nằm ngoài lán chờ của bệnh viện. Ảnh: PV

Bà Phạm Thị Hòa (Nam Định), gần 2 tháng nay phải nằm yên vị một chỗ vì bị thoái hóa đốt sống và thoát vị đĩa đệm. Khi không thể chịu đựng được nữa bà phải nhờ 2 người hàng xóm đưa lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị.

Mặc dù đã hoàn tất các thủ tục thăm khám nhưng do thiếu vật tư y tế, bệnh viện hạn chế mổ phiên nên bà Hòa vẫn phải nằm chờ để được xếp lịch mổ.

Khó khăn trong việc di chuyển, lại phải dựa hoàn toàn vào bảo hiểm y tế và chế độ cho người có công, nên bà Hoà không thể di chuyển sang bệnh viện khác. 

"Các bác sĩ mà thương, tạo điều kiện thì nhận, nhưng nếu không thì tôi cũng đành phải chịu. Tôi năm nay ngoài 80 tuổi, không có chồng, không có con cái, người thân thì ở trong miền Nam. Bây giờ chờ lịch không biết đến bao giờ được xếp, chỉ thấy tội cho hàng xóm, mất công mất sức đi cùng chăm sóc", bà Hoà nói với giọng khó nhọc.

Hoại tử chân vì lịch mổ muộn

Câu chuyện thiếu vật tư, trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang là câu chuyện xôn xao trong dư luận.

Theo đó, từ ngày 1.3.2023, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hạn chế mổ xếp lịch để ưu tiên mổ cấp cứu. Trước bối cảnh cạn kiệt nguồn vật tư, hóa chất trong khi không thể đấu thầu mua sắm bởi có nhiều vướng mắc về thủ tục, bệnh viện sẽ chỉ chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết. 

Trước đó trao đổi với báo chí, ông Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: "Nhiều hóa chất, vật tư tại đơn vị đang cạn kiệt".

Ông Giang cho biết, hóa chất xét nghiệm công thức máu (xét nghiệm đơn giản nhất) tại đơn vị mình chỉ đủ dùng trong một tuần, tính từ thời điểm 23.2. Số lượng vật tư điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống cũng hạn chế, chỉ chỉ định cho trường hợp cấp cứu. 

Ngoài ra, bệnh viện còn thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống.

Nhìn vào số đông người bệnh, nhất là những người bệnh nghèo, thực trạng này đang tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ cho người bệnh.

Bạn Lại Đức M 25 tuổi, quê ở Hưng Yên liên tục lo lắng vì khả năng hai ngón chân bị sẽ bị hoại tử. 

Bị tai nạn gãy chân nên M cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trước đó 2 ngày, sau khi hoàn thành ca mổ, M hiện  nằm theo dõi tại khoa phẫu thuật chi dưới. M kể: "Thời điểm em nhập viện, em đau đến phát điên. Nhưng nhập viện từ 23h phải đến 5h sáng em mới được phẫu thuật". 

M cho biết, hiện 2 ngón chân của bạn không có dấu hiệu sống. Khả năng sẽ phải cắt bỏ nếu 1-2 ngày nữa ngón chân teo lại.

Bệnh nhân M 25 tuổi quê ở Hưng Yên hiện nằm tại Khoa phẫu thuật chi dưới phải đối mặt với việc mất đi 2 ngón chân. Ảnh: PV 

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện hạng đặc biệt, đầu ngành ngoại khoa. Thời điểm năm 2022, bệnh viện thực hiện hơn 79.000 ca mổ. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú và khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám.

Đa số hóa chất bệnh viện sử dụng do các công ty cung cấp, kèm theo máy đặt, mượn. Trước đây, bệnh viện có nguồn thu cũng như cơ sở pháp lý để đấu thầu mua sắm hoá chất, triển khai các xét nghiệm phục vụ người bệnh.

Nhưng điểm mới trong Nghị quyết 144 quy định, các hợp đồng ký sau tháng 11.2022 (thời hạn áp dụng đến tháng 11.2023) sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả. Mặt khác, hiện các vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong một tháng, nhưng hầu hết giấy phép với những sản phẩm này vẫn chưa được gia hạn.

Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đề nghị Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan cần "vào cuộc hết sức cấp thiết" để xây dựng, ban hành các thông tư, nghị định, giúp bệnh viện có hành lang pháp lý giải quyết khó khăn.

Trên thực tế, tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế không chỉ diễn ra ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mà còn ở một số bệnh viện tuyến cuối khác như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai,...

Tại buổi tọa đàm “Ngành y vượt khó” diễn ra ngày 23.2, GS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Nguyên nhân chính của tình trạng thiếu hụt thuốc men, vật tư y tế là do "sợ sai". Lãnh đạo các bệnh viện không muốn bị dính đến chuyện đấu thầu, nếu có sai sót thì phải chịu trách nhiệm. 

Sự thận trọng trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế là cần thiết, bởi vì nếu sơ sẩy là "thân bại danh liệt". Chính vì điều đó, những việc trước đây có thể làm như vay mượn đơn vị cung cấp, nay không ai dám.

Một nguyên nhân khác là quy trình đấu thầu gồm lập dự toán, kế hoạch, thẩm định giá, thực hiện đấu thầu, quá nhiều khâu, kéo dài thời gian.

Vì vậy, rất cần một hành lang pháp lý an toàn để những người đương nhiệm được bảo vệ khi làm việc và cống hiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn