MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học viên 20 tuổi mắc bạch hầu tại TPHCM

Anh Nhàn LDO | 25/06/2020 20:41

Nam bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu đang được điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) với tiến triển tốt. Dự kiến trong tuần sau bệnh nhân này sẽ xuất viện. 

Tối 25.6, đại diện Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) thông tin, hiện bệnh viện đang điều trị cho một nam bệnh nhân  mắc bệnh bạch hầu. Người này 20 tuổi, là học viên một trường đại học ở TPHCM.

Khi thấy bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau họng, khó thở, vùng hàm sưng to, các bác sĩ nghi ngờ người này mắc bệnh bạch hầu nên đã nhanh chóng cách ly điều trị. Sau đó, kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TPHCM xác định bệnh nhân mắc bạch hầu. 

Để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và các bệnh nhân, bệnh viện đã nhanh chóng cách ly những trường hợp tiếp xúc gần với ca mắc trên trong phòng bệnh. 

Cùng với đó, một số nhân viên y tế ở các khoa: Khám bệnh, Tai Mũi Họng, Truyền nhiễm và các bệnh nhân cùng phòng đã được uống thuốc điều trị dự phòng. Song song đó, bệnh viện cũng lập hồ sơ báo cáo với cơ quan chức năng để khoanh vùng, xử lý.

Nam bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Sau một tuần điều trị, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định, tiếp tục được theo dõi. Dự kiến trong tuần sau bệnh nhân này sẽ xuất viện. 

Như vậy, TPHCM là địa phương thứ hai ghi nhận dịch bạch cầu. Trước đó, tại Đắk Nông ghi nhận 12 trường hợp dương tính với bạch hầu, trong đó 1 trường hợp tử vong, một bệnh nhân 13 tuổi diễn tiến nặng, đang được hồi sức tích cực. 

Làm sao để phòng chống bệnh bạch hầu?

Những người chưa tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh đều có nguy cơ mắc bạch hầu.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau để phòng trách lây nhiễm bệnh: 

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế. 

Bệnh bạch hầu là gì?

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh rất dễ dàng lây lan từ người này sang người khác qua đường hô hấp và có thể tạo thành dịch. 

Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn