MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân Phạm Thị Tị đang được nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai chăm sóc sau 1 cuộc phẫu thuật. Đây là một trong số hơn 1.000 bệnh nhân mà Bệnh viện Bạch Mai phải gửi đi chụp chiếu nhờ bệnh viện khác. Ảnh: Thùy Linh

Hơn 1.000 bệnh nhân chuyển viện vì máy móc Bệnh viện Bạch Mai đắp chiếu

Thùy Linh- Minh Hà LDO | 11/11/2022 14:47

"Hơn 1.000 bệnh nhân đã được chuyển đi các cơ sở y tế khác để chụp chiếu, với vô vàn câu chuyện đáng buồn mà chúng tôi đã phải chứng kiến trong suốt thời gian qua"- Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai tâm sự. 

Hơn 1000 bệnh nhân ung thư phải "chạy viện"

Sau hai năm thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết số 33, Bệnh viện Bạch Mai đang rơi vào tình cảnh khó khăn nhiều mặt. Máy móc, trang thiết bị đắp chiếu, không thể mua sắm mới, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng cũng không thể đầu tư sửa chữa hay xây mới. 

Đáng buồn hơn, trong khi hệ thống máy móc điều trị ung thư của Bệnh viện Bạch Mai hiện đại hàng đầu Việt Nam đang nằm phủ bụi trong phòng chụp thì rất nhiều bệnh nhân ung thư đã phải di chuyển đến các bệnh viện khác, chờ nhiều ngày để được chụp chiếu rồi lại quay trở về Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Trao đổi với phóng viên Lao Động về vấn đề này, PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong thời gian qua, lãnh đạo bệnh viện, bản thân tôi và tất cả các y bác sĩ của Trung tâm đều buồn và rất tâm tư.

Trong 2 năm vừa qua, toàn bộ các bệnh nhân ung thư của Trung tâm cần phải làm các xét nghiệm, chụp chiếu đánh giá liên quan lĩnh vực y học hạt nhân, cũng như các bệnh nhân được điều trị, xạ trị thì đều phải chuyển đi bệnh viện khác để thực hiện.

"Hơn 1.000 bệnh nhân đã được chuyển đi các cơ sở y tế khác để chụp chiếu, với vô vàn câu chuyện đáng buồn mà chúng tôi đã phải chứng kiến trong suốt thời gian qua"- bác sĩ Phương nói. 

Việc thiếu trang thiết bị y tế ảnh hưởng rất lớn đến toàn ngành y tế, đối với bệnh nhân ung thư, việc đó càng ảnh hưởng nhiều hơn. Đối với bệnh nhân ung thư, thường có tâm lý rất lo lắng cho bệnh tật của mình.

Phòng chụp PET-CT tối đèn suốt 2 năm qua, hệ thống chụp chiếu, điều trị ung thư hiện đại bậc nhất Việt Nam đang nằm bỏ không, phủ bụi. Bệnh nhân thì phải đi gửi chụp ở bệnh viện khác, nhân viên y tế chỉ biết "đứng nhìn". Ảnh: Thùy Linh

Ngoài việc tâm lý của bệnh nhân bị ảnh hưởng khi phải "chạy" bệnh viện này bệnh viện khác, thì việc thực hiện các thủ tục hành chính vào viện, ra viện nhiều lần để làm các xét nghiệm chụp chiếu cũng là "làm khổ" bệnh nhân, kéo dài thời gian điều trị. Hơn nữa, điều đó còn làm ảnh hưởng về chuyên môn, về chất lượng điều trị cho bệnh nhân. 

"Nhìn những bệnh nhân của mình lại phải chuyển bệnh nhân đi nhờ chụp chiếu tại các bệnh viện bạn như Bệnh viện 103, Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội..., sau đó mới quay về Bệnh viện Bạch Mai để điều trị tiếp, phải chứng kiến bệnh nhân ung thư đã khổ lại còn khổ hơn, chúng tôi rất khổ tâm"- bác sĩ Phương trăn trở. 

Thạc sĩ, kỹ sư chuyển đi làm tiếp đón, vận chuyển người bệnh

Các bác sĩ rất buồn, tâm tư khi có thể làm những điều tốt nhất cho người bệnh mà "lực bất tòng tâm". Không chỉ vậy, cán bộ nhân viên y tế của Trung tâm cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

"Nhân viên y tế của chúng tôi là các thạc sĩ, kỹ sư, kỹ thuật viên... làm ở phòng máy, được phục vụ người bệnh thì giờ đây, họ chỉ còn có thể "đứng nhìn máy", buộc phải chuyển đi làm tiếp đón bệnh nhân, làm vận chuyển người bệnh... không đúng với chuyên môn của họ. Trong khi đó, người bệnh không được tiếp cận trang thiết bị như vậy để được điều trị tốt nhất"- bác sĩ Phương chia sẻ. 

Máy móc, trang thiết bị y tế lâu ngày không được sử dụng, không duy tu, bảo dưỡng, có nguy cơ bị hỏng bất cứ lúc nào. Ảnh: T.Linh

Theo PGS Phạm Cẩm Phương, đối với trang thiết bị trong ngành ung thư, ngành y học hạt nhân đều là các thiết bị đặc thù, không phải bệnh viện nào cũng có thể trang bị được.

Ngoài ra, phải mất rất nhiều thời gian để đào tạo những nhân lực có chuyên môn sâu, có đủ trình độ vận hành các thiết bị cao này, làm các kỹ thuật khó và đọc kết quả chính xác, hiệu quả nhất. Do vậy, việc trang thiết bị không được sử dụng, là một sự lãng phí vô cùng lớn. Nếu như không sớm đưa vào vận hành, một thời gian nữa, hệ thống bỏ không đó sẽ hỏng hóc, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho xã hội. 

"Chúng tôi cảm thấy rất đau xót, khi mà hệ thống trang thiết bị đang hoạt động tốt nhưng lại bị dừng hoạt động. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà còn ảnh hưởng lớn đến nhân viên y tế.

Chúng tôi mong muốn, thời gian tới tình trạng này sẽ sớm chấm dứt, để các y bác sĩ của chúng tôi yên tâm làm việc, để bệnh nhân của chúng tôi yên tâm rằng đã tiếp cận được những phương pháp điều trị ung thư của thế giới, yên tâm ở Việt Nam điều trị"- bác sĩ Phương nói. 

Liên quan đến vấn đề thực hiện dự án liên doanh liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai, thời gian qua, khi cơ quan tư pháp vào kiểm tra, thấy các dự án liên doanh liên kết vướng pháp lý, không chặt chẽ, có những đề án vi phạm pháp luật. 11 trong số 27 dự án được thanh tra Chính phủ kiểm tra có vi phạm. Một loạt dự án liên doanh liên kết không thể tiếp tục triển khai do cơ sở pháp lý không có, hoạt động không phù hợp.

Do vậy, bệnh viện dừng nhiều đề án liên doanh liên kết, chỉ còn một vài đề án thực hiện trong những tháng cuối cùng của hợp đồng. Vì thế, nếu trước đây, bệnh viện có máy chụp 256 dãy, hệ thống PET-CT, cộng hưởng từ, hệ thống điều trị Gamma, xạ trị gia tốc, Robot Rosa... đều thuộc hàng hiện đại bậc nhất, nhưng đến nay không còn hoạt động; đắp chiếu để đấy. Hệ thống nội soi không thực hiện đủ nhu cầu;...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn