MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe ôm công nghệ là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm do di chuyển nhiều nơi, gặp nhiều người. Ảnh: PK

Hơn 170.000 tài xế xe ôm công nghệ tại TPHCM phòng dịch COVID-19 thế nào?

Huyên Nguyễn LDO | 18/06/2021 08:57

Trước thông tin một tài xế xe ôm công nghệ tại TPHCM vừa có kết quả test lần 1 dương tính SAR-CoV-2, nhiều người lo ngại về vấn đề phòng chống dịch bệnh COVID-19 khi TPHCM có khoảng 170.000 lái xe.

Ngày 17.6, lực lượng y tế tại TPHCM đã phát hiện một ca dương tính lần 1 với COVID-19 tại phường Thạnh Xuân, quận 12. Người này là tài xế xe ôm công nghệ.

Theo cơ quan y tế, tài xế này không có triệu chứng mắc bệnh trước đó. Trong lúc giao hàng, người này thấy khu vực lấy mẫu xét nghiệm đơn nên tấp vào xếp hàng lấy mẫu. Sau đó, tài xế cho kết quả dương tính với SAR-CoV-2.

Trước đó, không ít lo ngại về nguy cơ lây bệnh của đối tượng này đã được đặt ra bởi họ di chuyển và tiếp xúc với rất nhiều người. Về vấn đề này, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết: Hiện nay, địa bàn Thành phố có khoảng 170.000 tài xế xe 2 bánh công nghệ vừa vận chuyển người, đồ ăn, hàng hoá.

Sở Giao thông Vận tải xác định đây là những người có khả năng lây nhiễm vì di chuyển khá nhiều. Tuy nhiên, sự có mặt của họ rất cần thiết, giúp cung cấp nhu cầu thiết yếu cho người dân để hạn chế được việc ra ngoài.

Do đó, giữa tháng 5, Sở Giao thông Vận tải đã mời đại diện các đơn vị cung ứng dịch vụ ứng dụng công nghệ trên thiết bị di động để triển khai, hướng dẫn và yêu cầu về thực hiện quy định phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang trong quá trình vận chuyển khách, lấy hàng, giữ khoảng cách 2m, khai báo y tế… Ngoài ra, lái xe cũng được yêu cầu từ chối vận chuyển đối với những khách hàng sử dụng dịch vụ không chấp hành nghiêm quy định phòng dịch COVID-19.

Các đơn vị cung ứng dịch vụ phải lập và lưu trữ trên phần mềm danh sách phương tiện, lái xe, hành khách, tuyến đường và các địa điểm trong quá trình di chuyển… để khi có yêu cầu tư cơ quan chức năng thì dễ dàng truy vết.

Đối với những đơn hàng vào khu vực thực hiện Chỉ thị 16 thì chỉ những lái xe trong khu vực đó được giao hàng và không được ra ngoài.

"Trong thời gian vừa qua, các đơn vị này đã có dữ liệu truy vết khá chuẩn xác. Ngoài ra, còn cho đội ngũ giao nhận hàng đi xét nghiệm tầm soát" - đại diện Sở Giao thông Vận tải thông tin.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải bày tỏ lo ngại hơn đối với đội ngũ xe ôm truyền thống đang chưa có sự quản lý, lưu trữ thông tin.

Trước đó, ngày 19.5, Sở Giao thông Vận tải đề nghị các đơn vị cung ứng dịch vụ ứng dụng công nghệ trên thiết bị di động kết nối mua bán hàng trực tuyến và vận chuyển giao nhận hàng hóa bằng xe gắn máy, xe môtô 2 bánh trên địa bàn phải phổ biến cho đội ngũ lái xe các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; quy tắc an toàn khi giao, nhận sản phẩm.

Cùng với đó, đối với tài xế hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe gắn máy sử dụng công nghệ (ứng dụng gọi xe), phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; hạn chế nói chuyện trong quá trình di chuyển; thực hiện khai báo y tế theo quy định, lập sổ nhật ký theo dõi hoạt động hàng ngày.

Ngoài ra, đối với hoạt động vận chuyển bằng xe gắn máy truyền thống (xe ôm), Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND Thành phố Thủ Đức và các quận huyện phối hợp tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức để vận động các nhóm, tổ xe ôm tự quản, các nghiệp đoàn trên địa bàn quản lý thực hiện nghiêm phương án phòng, chống dịch. Tài xế thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; hạn chế nói chuyện trong quá trình di chuyển; vệ sinh mũ bảo hiểm sau mỗi chuyến đi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn