MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các y bác sĩ bệnh viện phổi Đồng Nai giám sát điều trị COVID-19 qua hệ thống Camera. Ảnh: Hà Anh Chiến

Ít được quan tâm, 4 bác sĩ tuyến đầu chống COVID-19 ở Đồng Nai nghỉ việc

HÀ ANH CHIẾN LDO | 26/06/2021 15:48
Đầu năm 2020, bệnh viện phổi tỉnh Đồng Nai được chuyển đổi thành bệnh viện điều trị COVID-19 và cách ly những trường hợp nguy cơ cao của tỉnh Đồng Nai. Các y bác sĩ tại đây cũng trở thành những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19, hàng ngày luôn sống trong tâm thế “trực chiến” và bản thân luôn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, áp lực công việc nặng nề. Tuy nhiên, gần đây lại thiếu sự quan tâm dẫn đến việc 4 bác sĩ đã nghỉ việc, nhiều người khác xin chuyển công tác.

Chuyển đổi bệnh viện phổi sang điều trị COVID-19

Bệnh viện Phổi tỉnh Đồng Nai (P.Phước Tân, TP.Biên Hoà) có 144 người. Trong đó có 17 bác sĩ, 52 điều dưỡng, 13 dược sĩ và 62 người làm nhiệm vụ khác. Nhiệm vụ chính của bệnh viện là khám, chữa bệnh về bệnh phổi: lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, viêm phổi, viêm phế quản… với chỉ tiêu 240 giường bệnh.

This browser does not support the video element.

Tuy nhiên từ tháng 4.2020 trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Y tế Đồng Nai quyết định chuyển đổi công năng bệnh viện phổi thành bệnh viện COVID-19 theo Quyết định 436/QĐ-SYT ngày 8.4.2020 của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai. Nhiệm vụ là điều trị bệnh COVID-19 và cách ly những trường hợp nguy cơ cao. Bên cạnh đó bệnh viện vẫn phải quản lý công tác chống lao của toàn tỉnh Đồng Nai.

Trước nhiệm vụ trên, bệnh viện đã điều trị bệnh COVID-19 cho 31 trường hợp khỏi bệnh, hiện đang điều trị 4 trường hợp, cách ly gần 500 trường hợp nguy cơ cao và F1.

Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó, các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19 tại đây đang phải đối mặt nhiều khó khăn, khó “toàn tâm, toàn ý” cho công việc chống dịch COVID-19.

Cụ thể, từ khi chuyển đổi công năng sang điều trị COVID-19, việc khám chữa bệnh về bệnh phổi bị tạm dừng, dẫn đến việc kiến thức chuyên môn bị mai một, do đặc thù là ngành chuyên môn thực hành, ngoài việc cập nhật kiến thức lý thuyết. Hơn nữa, các cán bộ y bác sĩ tại đây ngoài tiền lương cũng không có thu nhập tăng thêm từ việc khám chữa bệnh, thưởng tết ít ỏi dẫn đến thu nhập bị giảm sút nghiêm trọng.

Đáng nói, tâm lý của các y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên cũng bị ảnh hưởng do luôn phải trong tư thế “sẵn sàng” khi có dịch, thời gian công việc thay đổi liên tục. Thời gian mỗi đợt các y, bác sĩ tham gia cách ly, điều trị cho bệnh nhân đều kéo dài khoảng 1,5 tháng và phải sống, làm việc trong môi trường lây nhiễm cao.

Từ đó dẫn đến việc, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có 4 bác sĩ nghỉ việc, 2 điều dưỡng xin chuyển công tác, 2 nhân viên tài chính kế toán thì 1 người đã nghỉ còn 1 người cũng mới nộp đơn xin nghỉ việc.

Thu nhập chỉ gồm lương khó giữ chân bác sĩ

Trao đổi với Phóng viên báo Lao Động, bác sĩ Lương Văn Châu – Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đồng Nai cho biết: Cả 4 bác sĩ xin nghỉ việc đều là những người trực tiếp điều trị các bệnh nhân COVID-19, hai điều dưỡng cũng đã xin chuyển công tác về gần nhà.

Theo bác sĩ Châu, 4 bác sĩ nghỉ việc đều là những bác sĩ có chuyên môn tốt, 2 bác sĩ CKI – Nội, 1 bác sĩ CKI – Y tế công cộng trực tiếp tham gia điều trị COVID-19 và được phân công phụ trách khoa dinh dưỡng. Bác sĩ này nghỉ việc, nay khoa dinh dưỡng cũng thiếu hụt nhân lực, còn 1 bác sĩ dự kiến đưa lên làm phó khoa cấp cứu, quy hoạch làm trưởng khoa phổi, vừa đưa vào quy hoạch trình lên Sở Y tế thì bác sĩ này cũng nộp đơn xin nghỉ. “Thật sự tôi thấy thu nhập chỉ có mình lương không là khó giữ chân anh em lắm. Ngoài lương ra đâu có khám chữa bệnh cho bệnh nhân thì có thu viện phí gì đâu mà chi cho anh em” – bác sĩ Châu chia sẻ.

Theo bác sĩ Châu, từ khi chuyển đổi sang điều trị COVID-19, thu nhập của cán bộ công nhân viên, y bác sĩ bệnh viện giảm sâu khoảng 50%. Nguyên nhân do trước đây khi chưa chuyển đổi thì bệnh viện còn có nguồn thu nhập tăng thêm từ việc khám chữa bệnh để chi. Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi thì khoản thu nhập tăng thêm cũng không còn nữa, cán bộ công nhân viên chỉ có nguồn thu nhập từ lương.

“Tiền thưởng Tết cũng chỉ có 1 triệu đồng do UBND tỉnh cho. Chúng tôi cũng làm đơn xin Sở Y tế “ủng hộ”, nhưng khi chuyển qua bên UBND tỉnh thì Sở Tài chính nói không có cơ sở để chi. Sau đó chúng tôi được giới thiệu qua UBMTTQ hay Hội Chữ thập đỏ nhưng tôi thấy kỳ quá nên không làm nữa”, bác sĩ Châu bức xúc.

Chốt lại, điều bác sĩ Châu lo lắng nhất là: “Tôi sợ dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, các bác sĩ nghỉ hết thì sau này bệnh viện phổi hoạt động trở lại sẽ không còn đủ bác sĩ để khám chữa bệnh cho người dân”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn