MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần chú trọng chăm sóc sức khoẻ hậu COVID-19 cho bệnh nhân F0. Ảnh: BVCC

Kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính không đồng nghĩa với khỏi bệnh

Huyên Nguyễn LDO | 05/11/2021 18:19

Có những bệnh nhân không thể ngủ được vì mỗi lần nhắm mắt lại nghe thấy tiếng của máy thở, tiếng báo động…, thậm chí nghĩ tới tự tử. Đây là một trong những biểu hiện của chứng rối loạn lo âu, rối loạn suy nghĩ sau điều trị COVID-19 mà bệnh nhân có thể gặp phải.

Theo dõi từ 2-4 tuần sau âm tính

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Chăm sóc sức khoẻ hậu COVID-19, phát huy nội lực của người dân và doanh nghiệp” do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 5.11, các chuyên gia đã cùng bàn luận về nhiều triệu chứng, giải pháp điều trị, chăm sóc sức khoẻ hậu COVID-19.

Theo TS-BS CKII Phan Minh Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp cho biết, Bệnh viện đang tiếp cận rất nhiều bệnh nhân sau khi điều trị COVID-19 âm tính với Corona virus nhưng vẫn còn triệu chứng lâm sàng.

Theo bác sĩ Hoàng, âm tính có nghĩa là tải lượng virus thấp hoặc kém, ít có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. Khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính vẫn cần được theo dõi sát 2-4 tuần để giảm bớt nguyên nhân có thể trở nặng.

“Gần như 100% bệnh nhân khi được chuyển về Bệnh viện phục hồi chức năng để điều trị, chúng tôi tiến hành chụp phim X-quang thì phát hiện gần như bệnh nhân còn những tổn thương tại phổi rất nhiều và cần điều trị”, ông Hoàng cho hay.

TS-BS CKII Phan Minh Hoàng chia sẻ tại hội thảo ngày 5.11. Ảnh: Huyên Nguyễn 

SARS-CoV-2 gây tổn thương đa cơ quan trong đó chính yếu là tổn thương cơ quan hô hấp và một số nhóm cơ quan khác như thận, não, tim…

Một trong những biến chứng nặng nề thường gặp khác là rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ và nhận thức của bệnh nhân.

Bác sĩ Hoàng chia sẻ, có những bệnh nhân không ngủ được vì mỗi lần nhắm mắt lại là nghe thấy tiếng của máy thở, tiếng báo động…. Không dám chợp mắt vì sợ nếu chợp mắt sẽ không còn cơ hội mở mắt lại được nữa.

Cũng có một số bệnh nhân bị rối loạn nhận thức, tìm đến cái chết bằng cách tự tử, rất may được các bác sĩ kịp thời phát hiện.

Bác sĩ Hoàng nhấn mạnh diễn biến tâm lí rất quan trọng, có những bệnh nhân khi là F1 đã rất lo lắng nhưng nhận tin là F0 thì tình trạng trở nên nặng hơn. Trong mọi trường hợp, nhân viên y tế luôn hiểu và đồng hành, cùng bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thông điệp được Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nhấn mạnh là âm tính không đồng nghĩa với khỏi bệnh.

Khám sức khoẻ định kỳ

Ngoài ra, vị bác sĩ nhấn mạnh tới điều trị hậu COVID-19 cần quan tâm tới việc tập thể dục ngoài nâng cao sức khoẻ thì sẽ giúp bệnh nhân có tinh thần thoải mái hơn. Bệnh nhân cần được chăm sóc kĩ lưỡng về chế độ dinh dưỡng, khám sức khoẻ định kỳ 1-3-6 tháng hoặc khi thấy bất thường ảnh hưởng tới sức khoẻ thì tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và hỗ trợ điều trị.

“Khi trả bệnh nhân về cộng đồng phải trọn vẹn cả thể chất, sức khoẻ để tiếp tục làm việc và cống hiến cho xã hội” – Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp khẳng định về những nỗ lực điều trị, phục hồi chức năng cho bệnh nhân hậu COVID-19.

Chia sẻ về chủ đề của hội thảo, ông Hoàng cho rằng người dân cần hiểu rằng COVID-19 không nguy hiểm, ghê gớm như chúng ta tưởng, thời điểm hiện nay cần coi COVID-19 như người bạn lành tính để chúng ta vượt qua với việc thực hiện nghiêm quy định 5K và tiêm vaccine đầy đủ.

Bài tập thể dục “Vượt qua nỗi sợ n-COVI”. Ảnh: Huyên Nguyễn 

Tại chương trình, các bác sĩ cũng đã hướng dẫn thực hiện bài tập thể dục “Vượt qua nỗi sợ n-COVI” và phát động phong trào toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030 nâng cao sức đề kháng phòng chống COVID-19.

Các đại biểu hưởng ứng tinh thần thể dục để nâng cao sức khoẻ, phòng chống COVID-19. Ảnh: Huyên Nguyễn

ThS. Nguyễn Hữu Tú - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho hay tính đến nay, đại dịch COVID-19 đã lây lan trên toàn thế giới, với gần 250 triệu người nhiễm và hơn 5 triệu người tử vong. Tại Việt Nam, đã gần 1 triệu ca nhiễm và hơn 22.000 người tử vong. Dịch vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Tây và Tây nguyên.

Thế giới và Việt Nam đều đã xác định chúng ta sẽ phải sống chung với dịch, cuộc sống trong giai đoạn bình thường mới hơn lúc nào hết đòi hỏi từng tổ chức phải thích nghi, linh hoạt ứng phó, đảm bảo hoạt động sản xuất. Mỗi cá nhân phải tăng cường nâng cao sức khỏe để đảm bảo sinh hoạt và lao động, an toàn cho bản thân và cho xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn