MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khẩu trang - tấm khiên vững chắc bảo vệ sức khoẻ người dân

Thuỳ Linh LDO | 08/09/2022 18:32

Đeo khẩu trang là biện pháp hàng đầu giúp phòng chống bệnh lây truyền qua đường hô hấp, không chỉ với bệnh COVID-19 mà cả bệnh cúm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác.

Vai trò của khẩu trang trong phòng ngừa dịch bệnh

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi công cộng” nhằm phòng, chống sự lây lan của dịch COVID-19 trong cộng đồng nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong tình hình mới.

Theo Bộ Y tế, việc sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng là một biện pháp dự phòng cá nhân góp phần làm giảm sự lây lan của dịch COVID-19 trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân nhất là đối tượng nguy cơ cao như người có bệnh lý nền, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, người béo phì. 

Khẩu trang có khả năng bảo vệ rất tốt, làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm virus gây bệnh qua đường hô hấp. Ảnh: LĐO

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế gần đây cũng cho thấy, một người nói chuyện mà không đeo khẩu trang có thể làm các giọt bắn chứa virus lan xa tới 1m. Nếu người này ho, các giọt bắn có thể lan xa tới 3 mét và nếu hắt hơi, khoảng cách có thể lên tới 7m. Nhưng nếu đeo khẩu trang, nguy cơ lây nhiễm giảm đáng kể.

Với điều kiện khẩu trang được đeo đúng cách, nguy cơ lây nhiễm bệnh là không đáng kể, cho dù ở khoảng cách gần chỉ 1 mét, bất kể trong điều kiện môi trường nào và cho dù có nói chuyện, ho hay hắt hơi.

Người dân nên giữ thói quen đeo khẩu trang

Thời gian gần đây, số ca mắc COVID-19 tại nước ta giảm sâu khiến người dân bắt đầu có tâm lý lơ là. Trước nguy cơ dịch chồng dịch, nhiều người vẫn chủ quan không đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người, trong không gian kín… 

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), đeo khẩu trang là biện pháp phòng chống các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và mọi người cần linh hoạt trong việc đeo khẩu trang (từ khẩu trang y tế đến khẩu trang vải).

Thứ nhất, có thể không cần phải đeo khẩu trang ở môi trường thoáng khí như khi tập thể dục, khu vực ngoài trời, không tiếp xúc gần. Tuy nhiên, tại những khu vực nguy cơ cao như phòng kín, tiếp xúc gần với người có triệu chứng thì nên đeo.

Thứ hai, tại nơi đông người có điều kiện thì nên đeo khẩu trang để phòng bệnh một cách linh hoạt.

Thứ ba, tại khu vực ngoài trời, không có nguy cơ cao thì có thể dùng khẩu trang vải, vừa chống ô nhiễm bụi bẩn lại có thể tái sử dụng, giặt đi giặt lại dùng nhiều, tránh việc lãng phí khẩu trang y tế. Nếu toàn bộ người dân đều đeo khẩu trang y tế thì không những tốn kém về kinh tế mà còn làm ô nhiễm môi trường vì hằng ngày thải bỏ lượng lớn do không tái sử dụng được.

"Trong thời điểm này, việc đeo khẩu trang là vô cùng cần thiết, người dân không nên chủ quan. Việc bỏ hoàn toàn việc đeo khẩu trang rất nguy hiểm. Đặc biệt khi vào các cơ sở y tế, tiếp xúc với người có triệu chứng thì càng cần phải đeo khẩu trang" - PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh. 

Cũng theo vị chuyên gia này, ngoài việc tiêm vaccine phòng bệnh, người dân vẫn cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, trong đó khuyến khích và nêu cao ý thức phòng bệnh cá nhân như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, phòng bệnh trong môi trường kín, tiếp xúc gần trong đám đông…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn