MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điều trị phục hồi sức khỏe hậu COVID-19 tại Bệnh viện Hồng Ngọc. Ảnh: BVHN.

Khi nào F0 khỏi bệnh phải đi khám hậu COVID-19 để ngăn chặn biến chứng?

Phạm Đông LDO | 18/02/2022 07:26

Việc kiểm tra sức khỏe hậu COVID-19 là cần thiết, giúp đánh giá sớm những biến chứng và đưa ra biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu để giảm thiểu nguy cơ gây hại đến sức khỏe.

Anh V.H.N (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) từng bị COVID-19 kéo dài gần 20 ngày, sau đó xét nghiệm PCR âm tính. Tuy nhiên, dù đã được xác định khỏi bệnh nhưng anh lại bị đau co thắt ngực dù không làm việc nặng, chỉ đi bộ khoảng 100m. "Cảm giác lúc nào cũng như hụt hơi, leo được vài bậc cầu thang tôi đã phải dừng lại nghỉ để lấy sức" - anh nói.

Tương tự, chị N.Q.A (Bắc Từ Liêm) sau khi khỏi bệnh bỗng xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt thường xuyên, kèm theo đó là chứng mất ngủ. Chị có cảm giác mệt hơn những hôm đầu mới dương tính, cơ thể uể oải, mệt mỏi.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 - nhận định, nhóm cần phải đi khám hậu COVID-19 sớm là những người mắc bệnh nặng từng phải điều trị trong phòng hồi sức, người đã âm tính nCoV nhưng phải chuyển sang khu phục hồi chức năng điều trị tiếp. Hầu hết họ đều sẽ bị di chứng hậu nhiễm. Hậu COVID-19 với họ chính là hậu nhiễm trùng nặng. Như bệnh nhân thở máy nhiều, nằm lâu quá sẽ bị teo cơ, thậm chí phụ thuộc máy thời gian dài khiến phổi bị xơ.

Tiếp đó, những trường hợp F0 đã âm tính, đang vận động mà bị ngộp thở, tức ngực, khó thở, vận động kém đi cũng cần đi khám, đây là dấu hiệu đặc trưng của hậu nhiễm. Nếu phát hiện ra bệnh khác không liên quan đến COVID-19 như hen, suyễn..., người bệnh phải điều trị theo phác đồ.

Người bệnh có dấu hiệu rối loạn tâm thần như hoảng loạn, bế tắc cũng cần đi khám. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không phải di chứng hậu nhiễm mà do đọc quá nhiều thông tin tiêu cực dẫn đến stress, nhạy cảm quá mức.

"Chỉ đi khám khi có các triệu chứng dai dẳng vài tuần, vài tháng", bác sĩ Khanh khuyên.

Tiếp đó, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga - Bộ Quốc phòng, phân tích: Trong quá trình tư vấn đã gặp các F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng sau khi khỏi bệnh có thể gặp một số biểu hiện như bồn chồn, lo lắng, dễ xúc động và khó ngủ.

Nhiều người gặp các triệu chứng do thiếu máu lên não như nặng đầu, váng đầu, đi lại "như trên mây". Có nhóm người lại bị kém tập trung, nhớ nhớ quên quên điều vừa diễn ra, trong khi một số trường hợp bị hồi hộp từng cơn, đánh trống ngực, kèm theo đó là tình trạng nghẹn, khó thở, trào ngược dạ dày.

Lý giải nguyên nhân vì sao khi đang dương tính bệnh nhân thấy bình thường nhưng khỏi rồi lại rất mệt mỏi, chân tay yếu..., bác sĩ Hoàng cho biết: Do lúc đầu, tình trạng viêm chưa lan tỏa toàn thân mà còn khư trú ở một số cơ quan trên cơ thể.

Sau đó, tình trạng viêm dù nhẹ nhưng lan tỏa toàn thân, kết hợp với tình trạng rối loạn đông máu ở các mạch máu nhỏ khiến cơ thể có những triệu chứng trên đây, dù người bệnh đã âm tính cả tháng. Điều này có nghĩa là, tình trạng viêm có thể đã diễn ra từ khi bệnh nhân dương tính nhưng không biểu hiện rầm rộ mà khi âm tính rồi mới "phát tác".

Ngoài ra, trong giai đoạn cấp khi bị virus tấn công, hệ miễn dịch phải "gồng lên để chiến đấu" với virus nhưng sau đó hậu quả là, cơ thể bị kiệt quệ năng lượng.

Từ những triệu chứng và một số nguy cơ có thể gặp phải ở bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, bác sĩ Hoàng khuyên những người xuất hiện triệu chứng hậu COVID-19 điều chỉnh chế độ ăn uống, cố gắng vận động nhẹ nhàng, kiên trì, phù hợp sức khỏe; dùng những loại thuốc hỗ trợ như vitamin, khoáng chất...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn