MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các chuyên gia y tế đều khuyên rằng việc test nhanh quá nhiều gây lãng phí không cần thiết. Ảnh minh hoạ: LĐO.

Khi nào và bao lâu test nhanh COVID-19 một lần?

TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam LDO | 08/03/2022 15:57
Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới COVID-19 trong cả nước đã lên đến hàng trăm nghìn ca mỗi ngày. Báo Lao Động trích đăng bài viết của  TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam về việc chuẩn bị kế hoạch chăm sóc sức khỏe chủ động cho F0, F1 và đặc biệt là tần suất test nhanh hợp lý trong từng trường hợp. 

Với những con số báo động về số ca mắc COVID-19 đã khiến nhiều người có tâm lý lo lắng. Chính việc lo lắng cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến cho cơ thể bị giảm đề kháng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Biết sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 để phòng bệnh chủ động là điều rất quan trọng. 

Cùng với con số hàng trăm nghìn F0 thì con số F1 là vô cùng lớn, thậm chí ai cũng trong tình trạng F1, F2 vì xung quanh nhiều người mắc bệnh. Thông thường, khi biết mình là F0, mọi người đều tự ý thức khai báo y tế, cách ly, theo dõi sức khỏe, điều trị theo hướng dẫn hoặc nhập viện nếu cần. Tuy nhiên, đối với F1 thì xảy ra một số vấn đề sau đây.

Nhiều người F1 lo lắng thái quá tới mức test nhanh quá nhiều gây lãng phí không cần thiết. Mua kit để test COVID-19 mỗi ngày đâu khiến bản thân tránh được F0. Thậm chí có những người test mỗi ngày 2-3 lần, gây tốn kém tiền của.

Trong khi nhiều F1 lại quá chủ quan, cho rằng bị bệnh thời điểm này cũng là chuyện bình thường, thản nhiên không phòng chống cho bản thân và những người xung quanh. Tỷ lệ F1 trở thành F0 rất cao, vậy nên những F1 này chính là nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng. Vì thế trong giai đoạn dịch, chúng ta cần chăm sóc sức khỏe chủ động. 

Tiếp tục 5K và các biện pháp phòng bệnh

Hiện tại, mọi hoạt động xã hội đang diễn ra trong trạng thái bình thường mới nhưng bản thân mỗi chúng ta vẫn nên tự ý thức thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Ngoài ra nên chủ động thực hiện các phương pháp sau đây:

  •  Chuẩn bị sẵn những những thức uống thảo dược giúp phòng chống bệnh như tỏi ngâm mật ong, quất gừng sả ngâm mật ong hoặc nước mật ong giấm táo chanh sả gừng nghệ…
  •  Làm sạch cơ thể với thảo dược (đun thuốc tắm hoặc sử dụng muối tắm)
  • Xông không khí trong nhà với hương trầm thảo dược tinh dầu thảo dược hoặc bài thuốc thảo dược
  • Chườm ấm bụng, sống lưng với gối chườm thảo dược
  • Vệ sinh mũi họng và làm ấm vùng mũi họng mỗi ngày

Lắng nghe cơ thể

Hơn ai hết chúng ta là người cảm nhận rõ nhất sức khỏe của bản thân và cần phải lắng nghe cơ thể mình, xử lý khi có những biểu hiện bất thường:

  • Nếu cảm thấy mệt mỏi thì nên nghỉ ngơi, không nên làm việc gắng sức
  • Ho thì sử dụng các phương pháp chữa ho tự nhiên như ăn tỏi mật ong, quất hấp mật ong…
  • Sốt chườm ấm, bù nước, bù điện giải, uống thuốc hạ sốt nếu nhiệt độ trên 38,5 độ C và hạ sốt bằng các loại thảo dược như chanh, diếp cá, trúc diệp…
  • Sốt rét gai rét uống thêm nước sắc lá tía tô
  • Cảm thấy ớn lạnh, rét run ăn cháo nóng với hành và tía tô
  • Mỗi sáng thức dậy hãy làm ấm bụng, làm sạch đường ruột bằng 1 ly nước ấm pha thêm mật ong, chanh hoặc làm mật ong quất gừng sả
  • Súc họng, xịt mũi họng bằng nước muối sinh lý, thuốc xịt thảo dược ngày 2-3 lần
  • Bồi bổ sức khỏe để nhanh lại sức bằng thuốc bổ như đông trùng hạ thảo, sâm Ngọc Linh, nhân sâm, tam thất, nấm linh chi hoặc món ăn bài thuốc bổ khí huyết, ngũ tạng.

Test nhanh COVID-19 đúng thời điểm

Test nhanh COVID-19 mỗi ngày không khiến bản thân chúng ta tránh được F0. Vậy khi nào chúng ta nên test:

  • Test theo yêu cầu của nơi chúng ta đến theo quy định như: Bệnh viện, khách sạn, sân bay…
  • Test khi biết thông tin mình tiếp xúc với F0, nếu âm tính thì nên test lại sau 3-5 ngày. Trong lúc đó, xác định mình là F1 cần phải chủ động chăm sóc sức khỏe và phòng chống cho bản thân và những người xung quanh.
  • Nếu test nhanh dương tính, có thể test PCR tại bệnh viện để chẩn đoán xác định và định lượng virus nếu có điều kiện. F0 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng điều trị tại nhà nên test nhanh 3 ngày 1 lần, không cần thiết phải test mỗi ngày.

Bình tĩnh, lạc quan ứng phó với bệnh dịch

Sự căng thẳng, lo lắng quá độ hoặc kéo dài, lặp lại thường xuyên sẽ tạo ra sự mất cân bằng lặp đi lặp lại đối với việc kiểm soát năng lượng, dẫn đến sự suy giảm miễn dịch, là yếu tố nguy cơ khiến cho cơ thể dễ mắc bệnh.

Cho dù COVID-19 là dịch bệnh nguy hiểm, gây ra nhiều tổn thất về sức khỏe và đời sống nhưng chúng ta không nên lo lắng thái quá hoặc hoảng sợ mà cần phải chuẩn bị tâm lý và tinh thần chống lại bệnh dịch.

Cần phải trang bị đủ các kiến thức về phòng chống bệnh với tâm lý vững vàng, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống diễn ra trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn