MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không nên cào bằng áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Trang Thiều LDO | 06/03/2023 11:55

Theo các chuyên gia, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường là hợp lý nhưng nên phân loại mức thuế dựa trên hàm lượng đường có trong đồ uống.

Vì sao đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường?

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Trong đó, đề xuất đưa đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức phù hợp đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Việc này được lý giải nhằm bảo vệ sức khỏe người dân theo khuyến nghị của WHO, cũng như chủ trương của Đảng, Chính phủ và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cơ quan này dẫn các số liệu cho thấy, tình hình tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam đã tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017 và 50,7 lít/người năm 2018.

Cũng theo Bộ Y tế, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỉ lệ tử vong.

Đồ uống có đường gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Đồ họa: Hương Giang

Các nước đã dần bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Năm 2012, chỉ có khoảng 15 quốc gia, đến 2021 có ít nhất 50 quốc gia thu thuế tiêu thụ đặc biệt  đối với mặt hàng này. Trong ASEAN, có 6/10 nước đã thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

Vì những lý do trên, Bộ Tài chính đề xuất, bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất phù hợp để góp phần định hướng tiêu dùng và đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước.

Tăng là hợp lý nhưng không nên cào bằng

Trao đổi với Lao Động về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, đồ uống có đường gây tác hại rất lớn đến sức khoẻ, thế nhưng không được đề phòng như đồ uống có cồn.

Theo đó, đồ uống có đường hấp dẫn vị giác và được nhiều đối tượng yêu thích, từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi. Hệ lụy của các thức uống này âm thầm diễn ra, không gây hại ngay lập tức nhưng là nguyên nhân dẫn tới một loạt bệnh nguy hiểm như thừa cân béo phì, bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá, hệ xương răng, bệnh tim mạch, sa sút trí tuệ, ung thư...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương khẳng định, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường là hợp lý nhưng không nên cào bằng.

Cụ thể, phải phân loại được mức thuế, bởi chủng loại của đồ uống có đường rất đa dạng và hàm lượng đường trong đồ uống có đường không giống nhau, tác động đến sức khỏe khác nhau.

"Chúng ta phải rà soát, phân loại kỹ lưỡng những mặt hàng nào được xếp vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo tôi, không nên đánh thuế theo dạng cào bằng mà phải rà soát và xin ý kiến chuyên gia.

Nên chăng chúng ta chia các mức thuế theo tỉ lệ đường trong đồ uống. Ví dụ lượng đường càng cao thì mức thuế cao tương đương, tỉ lệ thuận với lượng đường. Còn lượng đường thấp ở một ngưỡng nhất định thì không phải chịu thuế. Như vậy sẽ có sự phù hợp và công bằng, cũng giúp người tiêu dùng đưa ra sự lựa chọn thông thái.

Đây là việc làm khá công phu và không dễ dàng nhưng khi quyết định ban hành chính sách mới phải có sự khảo sát và đánh giá tác động kỹ" - bà Nga nói.

Vị đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, hiện nhiều nước đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên hàm lượng đường có trong đồ uống. Việt Nam nên tham khảo cách làm quốc tế để có những cách làm bài bản và khoa học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn