MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nếu lạm dụng xét nghiệm kháng thể COVID-19 có thể gây tốn kém và tâm lý chủ quan trong phòng chống dịch. Ảnh: BVCC

Lạm dụng xét nghiệm kháng thể gây tốn kém và tâm lý chủ quan phòng dịch

Thùy Linh LDO | 04/10/2021 17:12

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua đã ghi nhận một số người dân và đơn vị xét nghiệm triển khai xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh để định lượng kháng thể.

Xét nghiệm kháng thể không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh COVID-19

Theo Bộ Y tế, hiện Tổ chức Y tế thế giới WHO chưa đưa ra khuyến cáo về ngưỡng đáp ứng bảo vệ đối với virus SARS-CoV-2. 

Bên cạnh đó, xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm virus và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh COVID-19, chủ yếu phục vụ trong nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị.

BSCKI Vũ Thanh Tuấn- Chuyên khoa hô hấp, BVĐK Medlatec cho biết: Xét nghiệm kháng thể thực chất được dùng để chẩn đoán một người có bị nhiễm virus hay không. Bởi với một người đã từng mắc COVID-19 hoặc đang trong giai đoạn ủ bệnh thì sau 2 tuần phơi nhiễm, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể. Kháng thể này có trong máu của bệnh nhân, có tác dụng chống lại sự phát triển và tấn công của virus. 

Bản chất của xét nghiệm kháng thể là xác định sự tồn tại của virus thông qua vật liệu gián tiếp là kháng thể được sản sinh này. Do vậy, thông qua xét nghiệm kháng thể, ngành y tế cũng có thể sàng lọc những người có nguy cơ đang nhiễm bệnh và cách ly để ngăn chặn sự phát tán của virus.

"Tuy nhiên, đây là xét nghiệm gián tiếp nên không được áp dụng để khẳng định bệnh, muốn biết một người có nhiễm SAR-CoV-2 hay không thì cần phải làm xét nghiệm Realtime PCR"- BS Tuấn cho biết. 

Không sử dụng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sai mục đích 

Trước tình trạng "lạm dụng" xét nghiệm kháng thể ở một số địa phương, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Viện Pasteur các khu vực, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sau khi tiêm vaccine hoặc đã khỏi bệnh.

Văn bản của Bộ Y tế cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thần tốc xét nghiệm trên diện rộng, Bộ Y tế đã khẩn trương triển khai nhiều phương thức xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó chủ yếu sử dụng xét nghiệm Realtime RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên để phát hiện các trường hợp mắc COVID-19.

Do đó, để sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn lực xét nghiệm trong phòng chống dịch, Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hướng dẫn Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục lựa chọn kết hợp các phương pháp xét nghiệm phù hợp, ưu tiên tập trung vào công tác phát hiện sớm ca mắc COVID-19 và triển khai phòng chống dịch kịp thời.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc không sử dụng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tăng cường công tác truyền thông cho người dân và đơn vị xét nghiệm về lợi ích và giá trị chẩn đoán của các phương pháp xét nghiệm.

Ưu tiên xét nghiệm kháng nguyên nhanh tại các khu vực nguy cơ

Cũng liên quan đến công tác xét nghiệm, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác xét nghiệm SARS-CoV-2

Tại văn bản này, Bộ Y tế hướng dẫn, tại các khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời, ưu tiên sử dụng xét nghiệm test kháng nguyên nhanh.

Tại khu vực nguy cơ thực hiện xét nghiệm định kỳ 5-7 ngày/1 lần; tại vùng bình thường mới thực hiện xét nghiệm khi cơ quan, đơn vị, người dân có nhu cầu hoặc theo đánh giá nguy cơ của cơ quan y tế. Khuyến khích cơ quan, đơn vị, người dân thực hiện tự lấy mẫu và xét nghiệm test kháng nguyên nhanh.

Nếu kết quả xét nghiệm test kháng nguyên nhanh dương tính, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế và thông báo ngay kết quả dương tính xét nghiệm test kháng nguyên nhanh tới cơ sở y tế nơi sinh sống như trạm y tế cấp xã, trung tâm y tế cấp huyện, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh,...;

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan công bố trên website của Sở Y tế, phương tiện thông tin đại chúng danh sách sinh phẩm xét nghiệm test kháng nguyên nhanh đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu tại Việt Nam; danh sách các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế có cung cấp các sinh phẩm này trên địa bàn để cơ quan, đơn vị và người dân dễ tiếp cận, sử dụng hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn