MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ Y tế đến kiểm tra, chăm sóc F0 tại nhà. Ảnh: Anh Tú

Làm sao để F0 cách ly tại nhà không lây cho trẻ em, người ở cùng?

HUYÊN NGUYỄN LDO | 03/09/2021 19:26
F0 điều trị tại nhà cần thực hiện nghiêm quy định cách ly của Bộ Y tế để tránh lây nhiễm cho người ở cùng nhà.

Cách ly như ở khu tập trung 

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, TPHCM đã triển khai thực hiện cách ly điều trị F0 tại nhà. Tính đến ngày 1.9, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, thành phố có 91.505 trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà.

Theo đó, trong số 91.505 trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà, có 64.768 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 26.737 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện là 20.792 người.

Chính vì vậy, vấn đề làm sao để F0 cách ly tại nhà nhưng không lây nhiễm cho người ở cùng, nhất là trẻ em, lãnh đạo Sở Y tế cho rằng cần tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch, đặc biệt là 5K.

Trả lời tại chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời”, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết để được điều trị ở nhà, F0 cần đảm bảo đầy đủ quy định đối với đối tượng được điều trị tại nhà, an toàn cho người bệnh, đảm bảo điều kiện cho những người xung quanh không bị ảnh hưởng.

Theo ông Nam, hiện nay chủng Deatal với tốc độ siêu lây nhiễm, tất cả nghiên cứu đều chỉ ra rằng virus có thể lơ lửng trong không khí, vì thế, khi cách ly tại nhà thì phải đảm bảo thực hiện giãn cách. F0 cần được cách ly trong 1 phòng riêng giống như cách ly ở khu tập trung, ngay cả ở khu vực dùng chung bởi nếu tiếp xúc như bình thường thì khu vực sinh hoạt chung như phòng khách, phòng bếp,… cũng có thể dẫn đến lây lan dịch.

“Vì thế khi có một trường hợp F0 được cách ly tại nhà thì y tế địa phương sẽ xem xét nhà có đủ điều kiện không, nếu không thì bắt buộc phải cách ly tập trung”, ông Nam cho hay.

Trả lời băn khoăn về việc có thể lây nhiễm COVID-19 do đường thông gió trong chung cư hay không, ông Nam cho hay thực tế thì chưa có nghiên cứu nào ở cả thế giới và Việt Nam để xác định điều này.

Điều kiện cách ly F0 tại nhà. Nguồn: HCDC 

Trước câu hỏi, nếu trong nhà trẻ em chưa bị nhiễm mà sống cùng với F0 thì sao, bác sĩ Bùi Nguyễn Hoàng Long – Phó trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế TPHCM cho biết, đối với em bé chưa bị bệnh nếu có người thân khác đón về chăm sóc thì tốt nhất. Trong trường hợp không có người thân khác thì cần thực hiện nghiêm quy định 5K để hạn chế lây nhiễm.

Còn đối với người trên 50 tuổi hiện không thuộc diện được điều trị tại nhà, cần xem xét thêm là có bệnh nền hay không, triệu chứng mức độ nặng như thế nào để đưa đến bệnh viện chăm sóc bệnh nhân COVID-19 phù hợp nhất.

7 loại vật dụng phải chuẩn bị khi cách ly, điều trị F0 tại nhà

Theo hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 (F0) tại nhà do Bộ Y tế ban hành, ngay khi được thông báo về việc cách ly, điều trị F0 tại nhà, các thành viên trong gia đình chuẩn bị các vận dụng tối thiểu sau:

- Khẩu trang y tế dùng 1 lần (đủ dùng cho cả nhà trong 2 - 3 tuần).

- Găng tay y tế sạch (tối thiểu đủ dùng cho người chăm sóc trong 2 - 3 tuần). 

 - Nhiệt kế thủy ngân hoặc điện tử, máy đo huyết áp.

- Thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy và các túi nylon màu vàng để lót bên trong thùng. 

- Dụng cụ cá nhân dùng riêng cho người nhiễm: bàn chải răng; khăn tắm; khăn mặt; chậu tắm, giặt; bộ đồ dùng ăn uống; xà phòng (tắm, giặt); máy giặt (nếu có); dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân.

- Các thuốc đang sử dụng cho người trong nhà có bệnh sẵn có như: cao huyết áp, đái tháo đường, gút… với số lượng có thể dùng trong ít nhất 30 ngày.

- Các thuốc và đơn thuốc (toa) của bác sĩ đối với người nhiễm (nếu có).

Ngoài chuẩn bị các vật dụng tối thiểu như trên, người trong gia đình cần lưu lại các số đường dây nóng phòng, chống dịch, số điện thoại của người được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe người nhiễm và các số điện thoại cần thiết khác.

Đồng thời, cả gia đình nên xác định và thống nhất về vùng không gian dành riêng cho người nhiễm. Nếu cần có thể phân công một người phù hợp nhất chăm sóc người nhiễm.

Hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế cũng lưu ý, khi một người trong nhà mắc COVID-19, những người khác trong nhà cũng có thể nhiễm bệnh, do đó cũng phải thực hiện cách ly tại nhà để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Cũng theo Bộ Y tế, việc vận động trong thời gian điều trị F0 tại nhà giúp giãn nở lồng ngực, tăng thông khí ra vào phổi, hô hấp tốt hơn, tăng cường khả năng vận động và các cơ tham gia hô hấp, ngăn chặn suy giảm thể chất, cải thiện tinh thần.

Trong đó, các bài tập gồm tập thở, vận động tại giường, giãn cơ, thể lực tăng sức bền. Đặc biệt, trong quá trình tập luyện, nếu cảm thấy mệt, khó thở hay đau ngực, F0 cần dừng tập ngay và theo dõi cơ thể.

Nếu các tình trạng này vẫn tiếp tục tăng ngay cả khi đã nghỉ ngơi, bệnh nhân phải báo ngay cho nhân viên y tế để được theo dõi kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn