MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Liên tiếp những vụ tâm thần giết người, có phải hết cách quản lý?

NHẬT HỒ LDO | 19/03/2019 08:25
Gần đây, liên tiếp xảy ra những việc đau lòng là người bị tâm thần giết hại người thân của mình. Nhiều cái chết diễn ra bất ngờ và vô cùng thương tâm. Trong khi đó, công tác quản lý người bệnh tâm thần còn nhiều bất cập.

Những vụ giết người thương tâm

Ngày 12.3, bà Nguyễn Kim Ngọc (SN 1981, xã Long Điền, huyện Đông Hải) trong cơn tái phát bệnh đã dùng búa giết chết đứa con gái mới 4 tuổi của mình. Trước đó vào ngày 23.02, Dương Văn Út, 41 tuổi, ngụ khóm 6, phường 2, TP Bạc Liêu đã giết chết vợ mình. Nguyên nhân chỉ vì 2 người xảy ra cự cãi dẫn đến xô xát. Trong lúc nóng giận, Út đã bóp cổ vợ mình đến tử vong.

Giết vợ xong, Út đi nhậu say sau đó mới thông báo cho bạn bè và điện thoại cho công an biết là mình đã giết người.

Thạch Sà Khêl - đối tượng tâm thần vác dao chém thương vong nhiều người tại Bạc Liêu. Ảnh: P.V

Trước đó, vào tháng 7.2018 tại Bạc Liêu cũng xảy ra một vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng, do đối tượng tên Thạch Sà Khêl, sinh năm 1983, ngụ ấp Đay Tà Ni, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi thực hiện. Vào 15 giờ, 24.07.2018, Khêl bất ngờ vác dao chạy dọc theo xóm, xông vào nhiều nhà dân chém tới tấp nhiều người. Hậu quả làm 2 người chết, 10 người bị thương, trong đó có 6 trẻ em. Sau khi điều tra thu thập chứng cứ, cơ quan chức năng đưa đối tượng đi giám định và được kết luận mắc bệnh tâm thần nên đã đình chỉ vụ án.

Quản lý còn nhiều bất cập

Bà Lê Hồng Chiến- Giám đốc Sở LĐTBXH Bạc Liêu cho biết: “Theo quy định hiện hành, Sở LĐTBXH chỉ quản lý người bệnh tâm thần tập trung tại các trại. Còn đối tượng tâm thần đã được điều trị giao về địa phương theo dõi, quản lý”. Theo bà Chiến, điều này cũng bất cập, bởi chính quyền địa phương không phải là… thầy thuốc. Mặc khác, đối tượng tâm thần đã về địa phương, uống thuốc đều, nhưng có thể bộc phát bất cứ lúc nào.

Ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, Bạc Liêu giải thích: “Theo quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần thì thường vẫn đang sinh hoạt tự do, không có người quản lý, ngoại trừ gia đình. Nếu trong trường hợp gia đình không phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời trường hợp người tâm thần phát bệnh và có những hành vi vi phạm pháp luật từ đó rất dễ dẫn đến những vụ án đau lòng như thời gian vừa qua”.

Hiện trường vụ Dương Văn Út giết vợ do bộc phát bệnh tâm thần. Ảnh: P.V

Một giải pháp được ngành chức năng khuyến cáo là gia đình có người bị bệnh tâm thần cần chủ động đưa người bệnh đi khám, chữa bệnh. Đồng thời cần theo dõi chặt biểu hiện của người bệnh để đưa đi điều trị kịp thời. Có như vậy, mới giảm thiểu những vụ án nghiêm trọng mà người gây án chính là đối tượng tâm thần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn