MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Liên tục mất ngủ vì hậu COVID-19

NGUYỄN LY LDO | 02/01/2022 09:14

TPHCM - Căng thẳng, mệt mỏi kéo dài sau COVID-19 khiến nhiều người bị ảnh hưởng sức khỏe và cuộc sống, nếu không được điều trị có thể biến chứng ảnh hưởng đến nhiều chức năng hoạt động khác của cơ thể.

Đầu tháng 11.2021, chị P.T.G.L (31 tuổi, Thành phố Thủ Đức) mắc COVID-19. Sau khoảng hơn 10 ngày điều trị tại nhà, chị L. đã âm tính trở lại nhưng liên tục cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi và có những đêm liên tiếp thức trắng, không thể đi vào giấc ngủ như trước kia.

F0 liên tục mất ngủ vì hậu COVID-19. Ảnh: Nguyễn Ly 

“Thời gian đầu tôi còn nghĩ do tôi bị mất ngủ thông thường, nên cố gắng chắc vài hôm là hết. Tuy nhiên, đến nay đã được hơn 1 tháng rồi, mất ngủ trở thành ám ảnh của tôi mỗi ngày”, chị G.L chia sẻ.

Cùng chung hoàn cảnh với chị G.L, chị P.T.B.T (40 tuổi, Thành phố Thủ Đức) cũng từng là F0 và mất ngủ. Theo chị B.T, liên tiếp cơ thể không được nghỉ ngơi và giấc ngủ bị đảo lộn khiến chị kiệt sức sau nhiều ngày mắc COVID-19.

“Nhà tôi 4 người thì có 3 người nhiễm, 2 vợ chồng tôi đều có triệu chứng mất ngủ giống nhau. Khi tìm hiểu ở nhiều trang thông tin về sức khỏe mới biết mình bị mất ngủ do hậu COVID-19. Bây giờ tôi chỉ ước có một giấc ngủ sâu để cơ thể được nghỉ ngơi”, chị B.T nói.

Theo ghi nhận tại Khoa thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, mỗi ngày ở đây tiếp nhận khoảng hơn 100 bệnh nhân mắc COVID-19. Trong đó, chiếm 50% bệnh nhân bị mất ngủ hậu COVID-19.

Theo các chuyên gia, mất ngủ do hậu COVID-19 thường rơi vào những bệnh nhân có triệu chứng hô hấp khi nhiễm COVID-19. Đặc điểm của virus SARS-CoV-2 ưa khí nên sẽ làm tổn thương phổi và nhiễm trùng, khi đó cơ thể sẽ huy động toàn bộ miễn dịch để chống lại nhiễm trùng. Trong quá trình này, hệ miễn dịch hoạt động quá mức có thể ảnh hưởng tới gan, thận, tim… dẫn đến tình trạng mất ngủ xảy ra.

Thạc sĩ- Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh - Khoa Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết: “Nếu như mất ngủ mãn tính do các bệnh lý nền như tim mạch, nội tiết, dùng thuốc gây nghiện ức chế thần kinh dẫn đến mất ngủ sẽ suy giảm tuổi thọ, mệt mỏi và cơ thể suy nhanh hơn. Còn mất ngủ do hậu COVID-19 nếu được chữa trị kịp thời, người bệnh phối hợp tốt với bác sĩ có thể được chữa khỏi hoàn toàn trong vòng 3-6 tháng, trừ trường hợp mất ngủ mãn tính sẵn trước đó kèm bệnh lý hậu COVID-19, bệnh nhân sẽ mất nhiều thời gian điều trị để quay trở lại giấc ngủ bình thường”.

Cũng theo BS Hoàng Đình Hữu Hạnh để xác định ngủ đủ giấc ở các độ tuổi, thứ nhất, thời gian ngủ của người trưởng thành từ 18-40 tuổi tiêu chuẩn giấc ngủ từ 6-10 tiếng, trên 60 tuổi từ 4-6 tiếng/đêm. Thứ hai, đánh giá người ngủ dậy có sảng khoái hay không, nếu không trọn vẹn 2 tiêu chí trên thì cần điều trị. Đồng thời, bổ sung thực phẩm dễ ngủ như tim sen, rau xanh, trái cây màu xanh nếu ăn tốt cho giấc ngủ, vận động hài hòa….

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn