MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nghi nhiễm được lấy test nhanh COVID-19. Ảnh: Hương Giang

Loại xét nghiệm COVID-19 nào sẽ dùng ở sân bay, các sự kiện đông người?

Thùy Linh LDO | 11/09/2020 09:18

Để "mở cửa bầu trời", các chuyên gia cho rằng việc triển khai phương án thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 (tìm kháng nguyên) ngay tại các cửa khẩu, sân bay, bệnh viện, sự kiện tập trung đông người cần phải được triển khai mạnh mẽ.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho hay với yêu cầu phải chung sống an toàn với dịch bệnh, phải mở cửa để đón chuyên gia, nhà đầu tư phục vụ phát triển kinh tế, vì vậy, việc triển khai phương án thực hiện xét nghiệm nhanh (tìm kháng nguyên) ngay tại các cửa khẩu, sân bay, bệnh viện, sự kiện tập trung đông người… để sàng lọc, phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm bệnh, không để sót, để lọt ra cộng đồng, xâm nhập vào bệnh viện là vô cùng quan trọng.

Hiện các doanh nghiệp đang khẩn trương nghiên cứu, sản xuất loại test kit nhanh tìm kháng nguyên có giá thành thấp, có thể sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị hiện có, thời gian thực hiện ngắn hơn nhưng độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương hoặc cao hơn phương pháp Realtime -PCR hiện nay.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, cơ quan này cũng sẽ đặt hàng doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm tại sân bay như kinh nghiệm một số nước.

Vậy phương pháp nào sẽ được sử dụng để sàng lọc người nhiễm COVID-19 trong trường hợp này?

BSCKI. Vũ Thanh Tuấn- Bệnh viện đa khoa Medlatec cho hay với phương pháp phát hiện kháng thể có các loại xét nghiệm test nhanh, không cần đến máy móc, thu về kết quả xác định sau 10 - 15 phút.

Thực tế, xét nghiệm test nhanh có 2 loại gồm phân loại kháng nguyên và phân loại kháng thể. Kháng thể là hợp chất được cơ thể sản xuất nhằm chống lại các tác nhân virus gây bệnh. Tuy nhiên, phải cần có một khoảng thời gian nhất định thì cơ thể mới xuất hiện các kháng thể.

Trong trường hợp có kháng thể tức là virus đã bắt đầu xâm nhập vào cơ thể. Đây chính là yếu tố được dùng để sàng lọc trong các xét nghiệm test nhanh COVID-19. Khi nồng độ kháng thể là đủ lớn thì test nhanh mới có thể phát hiện được nhiễm COVID-19, ngược lại, nồng độ kháng thể quá thấp, xét nghiệm test nhanh sẽ không thể phát hiện ra bệnh.

Xét nghiệm SARS-COV-2 thông qua việc test nhanh có độ chính xác dao động từ 65 - 80%, tức là vẫn có các trường hợp phát hiện âm tính hoặc dương tính giả. Do đó, kết quả test nhanh chỉ có giá trị sàng lọc mà không có giá trị khẳng định nhiễm COVID-19.

Mục tiêu chính của các xét nghiệm test nhanh là phát hiện các ca nghi ngờ nhiễm bệnh để kịp thời thực hiện cách ly y tế tránh lây nhiễm với cộng đồng, tiến hành xét nghiệm khẳng định và tiến hành điều trị bệnh lý (nếu có).

Khi nhận được kết quả test nhanh âm tính hoặc dương tính, người bệnh không nên quá lo lắng hoặc chủ quan. Với trường hợp kết quả là dương tính, người thử test nhanh tiếp tục được lấy mẫu bệnh phẩm từ họng, hầu nhằm tiến hành xét nghiệm Realtime PCR với độ chính xác 100%.

Kết quả xét nghiệm sinh học phân tử là cơ sở khẳng định người này có bị nhiễm COVID-19 hay không. Các trường hợp tiếp xúc với người bệnh nhưng cho kết quả test nhanh âm tính vẫn được khuyến cáo thực hiện cách ly 14 ngày và thực hiện lại xét nghiệm test nhanh sau khoảng 5 - 7 ngày.

Xét nghiệm test nhanh thích hợp trong đánh giá nhanh mức độ lây nhiễm của cộng đồng. Xét nghiệm test nhanh được phát huy tác dụng sàng lọc cao nhất trong trường hợp có nhiều người bị nghi ngờ nhiễm bệnh, thực hiện test nhanh để lọc ra những người đã nhiễm bệnh nhiều ngày trước đó (khoảng 3 - 5 ngày).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn