MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khảo sát thực tế, nhiều chủ hàng cho biết mặt hàng này bán rất đắt khách trong mùa dịch.

Loạn giá máy đo nồng độ oxy, bác sĩ tư vấn cách mua và sử dụng

THẢO ANH - HOÀI ANH LDO | 02/08/2021 06:00
Hiện nay, bất cứ mặt hàng nào gắn với từ khoá COVID-19 đều "hái ra tiền" vì đánh đúng vào tâm lý lo lắng của người dân. Và máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 không phải ngoại lệ. Loại máy này được quảng cáo dự phòng cho những người chưa mắc COVID-19 và hữu ích cho cả những người đã mắc đang cách ly tại nhà. Theo khảo sát của phóng viên Báo Lao Động, nhiều nơi cho biết đang "cháy" mặt hàng này.

"Hoa mắt" với thị trường máy đo nồng độ oxy

Gõ cụm từ máy đo nồng độ oxy trong máu hoặc máy SpO2 thì ngay lập tức xuất hiện khoảng hơn 4.300.000 kết quả chỉ trong vòng 0,37 giây. Các sản phẩm này được chào bán thường xuyên trong các hội nhóm, "chợ mạng" kinh doanh vật tư y tế.

Trong thời điểm hiện nay, chỉ cần mặt hàng nào gắn với từ khoá COVID-19 đều "hái ra tiền" vì đánh đúng vào tâm lý lo lắng của người dân. Và máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 không phải là ngoại lệ. Loại máy này được quảng cáo là dự phòng cho những người chưa mắc COVID-19 và hữu ích cho cả những người đã mắc đang cách ly tại nhà.

Những tít bài rao bán trên mạng xã hội thường được người bán quảng cáo rất kêu như "Sản phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình mùa dịch COVID-19" hay "Dù dịch COVID-19 hay không, nhà nhà đều nên sắm máy SpO2". Trên một fanpage chuyên hàng Đức, bài viết quảng cáo về máy đo SpO2 hãng Beurer thu hút hàng nghìn lượt thích và chia sẻ.

Cùng 1 loại máy nhưng trên 2 sàn thương mại điện tử khác nhau có mức giá chênh nhau khá lớn.

Theo khảo sát của phóng viên, các sản phẩm đến từ Trung Quốc thường có giá từ 150.000 - 400.000 đồng. Trong khi đó, khảo sát trên các sàn thương mại điện tử, phóng viên "hoa mắt" khi xuất xứ và nhãn hiệu của mặt hàng này còn đa dạng hơn rất nhiều. Mức giá dao động từ hơn 200.000 đến 2.500.000 đồng. Ví dụ như Jziki (450.000 đồng), Beurer PO30 (2.400.000 đồng), Pulse (260.000 đồng), IMediCare (1.200.000 triệu đồng).

Máy SpO2 có nhiều mức giá khác nhau, từ vài trăm đến vài triệu đồng.

Ghi nhận thực tế tại các cửa hàng bán thiết bị vật tư y tế trên địa bàn Hà Nội, thị trường mặt hàng này rất sôi động. Trong vai một người có nhu cầu sử dụng máy, phóng viên được người bán giới thiệu rất nhiều loại máy với mức giá dao động từ 550.000 - 1.800.000 đồng.

Mỗi cửa hàng đều có nhiều mẫu máy SpO2 khác nhau.

Một người bán hàng tại quầy thiết bị y tế trên đường Phương Mai (Hà Nội) giới thiệu 3 loại máy bán chạy là Fingertip là 700.000 đồng, máy Acurio là 1.400.000 đồng, máy Kaneko là 900.000 đồng.

Về việc giá máy chênh lệch nhau khá nhiều, người bán này giải thích là nhiều máy đắt do thương hiệu, hãng sản xuất và tiền nào của nấy, máy đắt tiền thì độ nhạy cũng cao hơn, chất lượng hơn so với những loại máy vài trăm nghìn đồng.

This browser does not support the video element.

Mỗi cửa hàng đều quảng cáo rất nhiều loại máy SpO2 với nhiều mức giá.

Một chủ cửa hàng khác cũng giới thiệu 3 loại máy với mức giá 550.000 đồng, 550.000 đồng và 1.800.000 đồng.

Người bán này cảnh báo: "Trong thời điểm dịch COVID-19 phức tạp như thế này, nhiều nơi lợi dụng làm nhái lắm. Máy mà nhiều nơi bán thực ra chỉ là loại máy đồ chơi có cài sẵn chế độ mặc định. Nhiều khi để bút bi máy vẫn hiện nhịp tim, người mua cần để ý. Đánh hàng rởm thì chất lượng rất rủi ro, đo không chính xác nhưng lợi nhuận cao. Những cửa hàng chuyên oxy uy tín như nhà chị, em mua nếu gặp trục trặc thì được đổi miễn phí".

Cùng loại máy Oromi A3, ở cửa hàng này giá 550.000 đồng nhưng đến cửa hàng khác cách vài bước chân, giá đã là 650.000 đồng.

Chủ một cửa hàng nữa trên "phố thuốc" này khuyên chúng tôi nên mua thiết bị này kẻo cháy hàng. "Đợt dịch này, người ta mua nhiều lắm, luôn cháy hàng. Mua để dùng, mua gom vào TPHCM hoặc mua làm từ thiện, ai cũng cần mà" - chủ cửa hàng tư vấn.

Thận trọng với các sản phẩm trên thị trường

Trong thời điểm dịch bệnh, nhu cầu mua bán loại máy này tăng cao là điều thấy rõ nhưng có nên sử dụng hay không thì cần sự tư vấn của các bác sĩ, chuyên gia y tế. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng I, TPHCM), thiết bị này rất hữu ích cho những đối tượng F0, F1 đang cách ly tại nhà.

Đối tượng F0, F1 thuộc nhóm nguy cơ cao đi kèm với chứng béo phì, trên 65 tuổi, hoặc có bệnh lý nền không ổn định thì phải tiếp cận với y tế.

"Nếu chưa tiếp cận được với hệ thống y tế thì nên có một chiếc máy đo nồng độ oxy trong máu tại nhà. Nhiều ca F0 cách ly tại nhà quá lo lắng dẫn đến khó thở. Lúc này, máy SpO2 có những lợi ích như biết mình khó thở do lo lắng hay thực sự thiếu oxy để có xử trí phù hợp. Nếu có điều kiện thì những đối tượng nguy cơ cao nên mua" - bác sĩ Khanh phân tích.

Theo bác sĩ Khanh, thiết bị này được sử dụng rất phổ biến trong ngành y tế. Gần như tất cả những người có bệnh lý về tim phổi thì đều sử dụng thiết bị này để theo dõi. Nếu chỉ số SpO2 thấp hơn 92%, bệnh nhân cần được hỗ trợ hô hấp, phải nhập viện và theo dõi sát diễn tiến tình trạng suy hô hấp.

Tuy nhiên, do thị trường thiết bị này trong mùa dịch khó kiểm soát hơn nên bác sĩ Khanh đã đưa ra những cảnh báo: "Người dân cần tìm đến những nơi uy tín và được cấp phép để mua máy, không nên mua trôi nổi trên thị trường vì máy nhái có thể cho ra những chỉ số sai. Nếu không phải đối tượng nguy cơ cao thì người dân không nên mua mà có thể tải app trên di động để chủ động theo dõi".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn