MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lý giải các hạn chế khiến thiếu thuốc điều trị dịch bệnh

NGUYỄN LY LDO | 22/06/2023 20:06

Ngày 22.6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương dẫn đầu Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh. Trước tình hình dịch bệnh tăng nhanh và thiếu thuốc điều trị, đại diện các ban ngành của Bộ Y tế đã chia sẻ về những nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng thiếu thuốc này.

Đại diện UBND thành phố, Sở Y tế và các bệnh viện trên địa bàn cho biết, các bệnh tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết, COVID-19 đang lưu hành, một số bệnh có dấu hiệu tăng, và có ca nhập viện nặng. Về vấn đề thiếu thuốc cho bệnh nhi TCM đang thực sự báo động, tỉ lệ ca phải thở máy khi chuyển độ nặng 3-4 cao vì thiếu thuốc đặc trị phenobarbital.

Th.S Nguyễn Thành Lâm – Phó Cục trưởng Cục quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, đối với các loại thuốc khác Bộ Y tế đã cấp phép đầy đủ. Tuy nhiên, tình trạng dịch bệnh là đặc thù, không lường trước được nên số lượng thuốc cần bao nhiêu, nhu cầu về thuốc, vaccine, sinh phẩm rất khó …

Đoàn công tác Bộ Y tế thăm bệnh nhi điều trị TCM. Ảnh: NGUYỄN LY

Vừa qua, Cục quản lý dược, Bộ Y tế dược cũng đã nhận được văn bản của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về tình trạng thiếu thuốc phục vụ cho bệnh nhi mắc TCM. Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng rất nhiều loại vaccine, trong khâu sản xuất vaccine và sinh phẩm lại có tính chất đặc thù là phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu và yêu cầu khắt khe trong quá trình sản xuất. Vì thế, các nhà sản xuất bắt buộc phải có nhu cầu số lượng trước. Tiếp nữa, khi nhập về đến Việt Nam, vaccine và sinh phẩm phải mất 1-2 tháng để kiểm tra chất lượng sau đó mới sử dụng.

“Vaccine và sinh phẩm y tế không như những thuốc thông thường khác nên chúng ta phải xác định được nhu cầu nên mong sở y tế các địa phương làm sao có được dự báo được số lượng cần dùng thì Bộ Y tế sẽ khẩn trương rút gọn chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nhập thuốc về”, ông Th.S Nguyễn Thành Lâm chia sẻ.

Liên quan đến thiếu phenobarbital dành cho bệnh nhân mắc TCM độ nặng 3-4, Th.S Nguyễn Thành Lâm cũng cho biết, huyết thanh gamaglobuline (được dùng thay thế khi không có phenobarbital cho trẻ mắc TCM) hiện đang thiếu bởi qua giai đoạn dịch bệnh COVID-19 số lượng người đi hiến máu giảm trầm trọng, trong khi đó gamaglobulin được bào chế từ máu người lớn. Vì thế, việc thiếu gamaglobuline xảy ra trên toàn thế giới.

Các công ty sản xuất hiện nay ưu tiên việc đặt hàng số lượng cố định sẽ sản xuất. Để giải quyết được tình trạng này, đại diện Cục quản lý dược đề xuất cần có sự tính toán ví dụ như trong vòng 5 năm trở lại đây số lượng sử dụng là bao nhiêu để có cơ chế dự trữ, có thể không dự trữ 100% nhưng ít nhất cũng chiếm từ 30-50%.

Bà Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đối với các loại thuốc còn thiếu, Bộ Y tế cũng đã chủ động tháng 12 năm 2022 có công văn đề nghị các tỉnh thành phố và các cơ sở y tế dự kiến các nhu cầu việc này dù rất khó nhưng vẫn phải làm.

“Nếu chúng ta không có dự kiến với thuốc hiếm thuốc điều trị các nhiễm truyền nhiễm, dịch bệnh có thể bùng phát khiến ngành y tế bị động. Vì vậy tôi đề nghị sở y tế tỉnh thành cần tổng hợp dự kiến số lượng cần, sau đó chủ động kết nối với các nhà cung ứng ở tại địa phương để các đơn vị chủ động sản xuất hoặc nhập khẩu. Nếu không có dự kiến số lượng thì công ty sản xuất cũng không thể chủ động vì nếu dư thừa sẽ không biết bán cho ai. Đối với Bộ Y tế về thuốc hiếm để có giấy phép đăng ký lưu hành thì cần gửi về Cục Quản lý dược để làm hồ sơ cấp phép”, bà Liên Hương nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn