MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lý giải về ca mắc COVID-19 sau thời gian cách ly tập trung

PHÚC ĐẠT LDO | 09/09/2021 16:17

Đại diện Sở Y tế Thừa Thiên Huế vừa lý giải nguyên nhân có các ca mắc COVID-19 sau 14 ngày hoàn thành cách ly tập trung.

Không bảo đảm nguyên tắc phòng chống dịch

PSG. TS Trần Kiêm Hảo - Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế cho biết, tất cả công dân hoàn thành cách ly tập trung tại tỉnh Thừa Thiên Huế  trở về tiếp tục theo dõi sức khoẻ, giám sát y tế tại nhà đều phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính bằng kỹ thuật RT-PCR lần thứ 4 vào ngày thứ 14 kể từ ngày tiếp xúc cuối hoặc về địa phương.

Trong ngày cách ly thứ 14, khi công dân chuẩn bị rời khu cách ly, có một số trường hợp đã không đảm bảo nguyên tắc an toàn phòng chống dịch, giao lưu, tiếp xúc với những trường hợp khác đang cách ly có mầm bệnh nên đã xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Do vừa mới tiếp xúc, nồng độ virus chưa đủ lớn để xét nghiệm PCR cho ra kết quả dương tính, nhưng khi về nhà tải lượng virus có thể tăng lên và xét nghiệm mắc bệnh.

Sau khi hoàn thành cách ly tập trung, các công dân sẽ tiếp tục được theo dõi sức khoẻ, giám sát y tế tại nhà nghiêm ngặt dưới sự giám sát của Tổ COVID cộng đồng, cán bộ y tế, chính quyền địa phương và đều được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 3 và thứ 7 trong thời gian giám sát y tế tại nhà; vì vậy các trường hợp mắc COVID-19 sau khi hoàn thành cách ly tập trung đều được phát hiện kịp thời.

Có thể tiếp nhận 2.000 bệnh nhân

Theo PGS.TS Trần Kiêm Hảo, các bệnh viện điều trị COVID-19 của tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng mô hình 3 tầng điều trị. 

Nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đã khỏi bệnh và được xuất viện. Ảnh: PV.

Đối với tầng 1, gồm các bệnh nhân không triệu chứng hoặc bệnh nhẹ, một bệnh viện đã được thiết lập, có thể tiếp nhận khoảng 1.000 giường với đầy đủ cơ sở vật chất trang thiết bị. Đặc biệt, đầy đủ đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên chăm sóc cũng như đảm bảo công tác hậu cần và an ninh trật tự.

Tầng thứ 2 gồm những người có triệu chứng trung bình và nặng, chúng tôi đã thiết lập 3 bệnh viện để điều trị, đó là Bệnh viện dã chiến Hương Sơ (TP. Huế), Bệnh viện Chân Mây (huyện Phúc Lộc) và Bệnh viện Bình Điền (thị xã Hương Trà). 3 bệnh viện này có thể đáp ứng 400 giường bệnh, khi cần có thể tăng lên 500 giường.

Đối với tầng 3, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã xác định Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 sẽ là nơi tiếp nhận và điều trị những trường hợp bệnh nặng và nguy kịch. Hiện tại cả 3 tầng điều trị này có thể tiếp nhận được khoảng 2.000 bệnh nhân COVID -19.

Tính đến tối 8.9, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 734 ca F0 (trong đó, từ tỉnh/thành phố khác chuyển đến 7 ca). Hiện đang điều trị 322 ca; đã điều trị khỏi 410 ca; 3 ca tử vong. F1 đang cách ly là 730, tổng từ ngày 28.4 đến nay 3.563. F2 đang cách ly là 3.210, tổng từ ngày 28.4 đến nay 17.157.

Đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhận được 140.458 mũi tiêm trên tổng số vaccine Bộ Y tế dự kiến cung cấp cho tỉnh từ đây đến cuối năm là trên 1.481.288 mũi, đạt tỉ lệ 9,48%. Tỉnh đã triển khai thực hiện tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP và Quyết định số 3355/QĐ-BYT. Đến nay đã có 55.392 người được tiêm 1 mũi vaccine COVID-19 và 42.422 người được tiêm 2 mũi vaccine COVID-19. Tỉnh đang tiếp tục triển khai tiêm chủng đảm bảo tiến độ và an toàn tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn