MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2, TP Thủ Đức) được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại. Ảnh: Chân Phúc

Mỗi năm cần 200 tỉ đồng bảo trì thiết bị y tế Bệnh viện Ung bướu TPHCM

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC LDO | 04/02/2023 07:07

TPHCM - Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2) chính thức hoạt động 100% công suất thiết kế. Với quy mô 1.000 giường bệnh, hệ thống trang thiết bị hiện đại nên để vận hành tốt cơ sở 2 này dự kiến sẽ tốn hàng trăm tỉ đồng bảo trì trang thiết bị y tế mỗi năm. 

This browser does not support the video element.

Từ ngày 2.2.2023, Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2, TP Thủ Đức, TPHCM) được hoạt động hết công suất ở tất cả khoa, phòng bệnh, thay thế cho cơ sở 1 ở đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh lâu nay luôn bị quá tải.

Để vận hành được bệnh viện mang tầm khu vực phía Nam này, Ban lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã rất lo lắng về phần kinh phí. 

Cụ thể, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 được đầu tư máy móc hiện đại phục cho việc chẩn đoán các bệnh ung bướu như: Máy chụp X-quang, phòng phẫu thuật, máy xạ trị… Vì vậy, số tiền bảo trì số lượng trang thiết bị này mỗi năm rất lớn. 

TS.BS.CKII Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM - cho biết, khi đưa vào hoạt động một bệnh viện lớn, chắc chắn thời gian đầu không thể trơn tru được luôn, mà phải cần tối thiểu 2 năm mới đi vào khuôn khổ. 

Đặc biệt, khi đưa vào vận hành những trang thiết bị hiện đại, sẽ đi kèm những vấn đề kinh phí bảo trì trang thiết bị máy móc, đó là một kinh phí lớn. Bởi bệnh viện được đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng cho trang thiết bị, tính trung bình mỗi năm tiêu tốn 10%, tức khoảng gần 200 tỉ đồng cho bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị. Đây là khó khăn mà bệnh viện cũng đã trình bày với thành phố để có bổ sung ngân sách cho hoạt động này. Nếu không được bảo dưỡng, trang thiết bị sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. 

  Khu vực tiếp nhận bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2). Ảnh: CHÂN PHÚC

Ngoài ra, TS.BS Quốc Thịnh cho hay, còn có kinh phí vận hành toà nhà cũng khá tốn kém. Đơn cử, nếu hoạt động tại cơ sở 1, trung bình một tháng bệnh viện sẽ chi khoảng 1 tỉ đồng tiền điện, thì ở cơ sở 2 phải gần 5 tỉ đồng. Với việc kinh phí đội lên nhiều đã và đang là thách thức của Ban lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TPHCM làm sao vừa đảm bảo thu nhập cho nhân viên y tế, vận hành tốt toà nhà và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. 

Còn TS.BS Phạm Xuân Dũng - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM - cho biết, từ sau Tết Quý Mão 2023, số lượng bệnh nhân khám ở cơ sở 2 tăng cao. Trong đó, tính đến ngày 29.1.2023, số bệnh nhân cần mổ và phải chờ mổ là 474 bệnh nhân. Nguyên nhân của việc chờ mổ kéo dài, theo ông Dũng, một phần xuất phát từ hiện trạng cơ sở vật chất ở cơ sở 1 (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) xuống cấp, chật chội và quá tải.

Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM kỳ vọng khi chính thức đưa vào vận hành toàn phần cơ sở 2, tăng từ 14 lên 20 phòng mổ sẽ giải quyết được tình trạng chờ mổ như thời gia vừa qua. Theo đó, có thể kéo giảm thời gian chờ mổ còn khoảng 3 tuần so với 4 tuần như trước đây.

Từng bước nâng cao chất lượng khám chữa cho bệnh nhân ung bướu

Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 được khởi công vào ngày 26.6.2016. Đến ngày 12.10.2020, khu Khám bệnh của bệnh viện đi vào hoạt động trước nhằm giải áp tình trạng quá tải nặng nề tại cơ sở cũ của Bệnh viện Ung bướu. Sau đó, Khu hoá trị trong ngày tiếp tục đưa vào hoạt động vào tháng 6.2021. Đến nay, toàn bộ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đã chính thức đi vào hoạt động thay thế cho cơ sở 1 tại số 3 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh.

Không chỉ được chuyển sang cơ sở mới rộng rãi, khang trang, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 còn có 16 phòng mổ hiện đại và cấp cứu được chuyển đến bằng máy bay trực thăng trong tương lai không xa. Hệ thống phòng ốc đạt chuẩn quốc tế trung bình từ 2-4 người/phòng. Tổng số 1.000 giường bệnh phục vụ cho bệnh nhân tại khu vực phía Nam. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn