MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định xác nhận đang rất khó khăn vì thiếu thuốc, vật tư y tế. Ảnh: Bá Dương

Nam Định: Thực hư thông tin 50 bệnh nhân đang chạy thận ở bệnh viện phải về

TRUNG DU LDO | 12/04/2023 17:46

Theo phản ánh của bệnh nhân, do thiếu thuốc, vật tư y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định mới đây ra thông báo cho 50 bệnh nhân đang chạy thận ra về và tự đi tìm nơi... chạy tạm.

Bệnh viện thông báo cho 50 bệnh nhân ra về, tự tìm nơi chạy thận?

Sáng nay (12.4), phản ánh thông tin đến Báo Lao Động, ông Trần Thanh V (66 tuổi, trú tổ dân phố Lũy Côi, thị trấn Vôi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) cho biết, từ khoảng 4 ngày trước khi ông đang điều trị chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định thì phía bệnh viện thông báo phải dừng hoạt động chạy thận 3 tháng. 

"Nguyên do không biết thế nào nhưng nghe đâu giữa bên bảo hiểm với bệnh viện có vấn đề gì đó nên phải tạm đóng cửa khoa thận. Tôi và 49 bệnh nhân khác đang chạy thận chu kỳ 1 tuần 3 buổi phải ra về. Nhiều người rủ tôi ở lại để cùng nhau đến hỏi lãnh đạo tỉnh Nam Định xem thế nào, nhưng do sức khỏe yếu, tôi phải về nhà mấy hôm nay rồi. Hiện nay, tôi chưa biết sẽ chạy thận được ở đâu mà bệnh này tuổi này không chạy được chắc chỉ chờ chết" - ông V cho hay.

Theo ông V, trước đây, ông chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai, gần đây thì được cho giảm tải về tuyến dưới tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định.

Khi ông V vừa chạy thận lại được khoảng hơn 15 ngày thì tiếp tục phải chịu cảnh đứt đoạn.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định lên tiếng

Liên quan sự việc này, chiều 12.4, trả lời báo chí, bác sĩ Trần Hùng Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định - xác nhận, bệnh viện hiện gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì việc chạy thận cho 50 bệnh nhân đang điều trị tại đây.

“Nguyên nhân do bệnh viện đã cạn kiệt thuốc và vật tư y tế, tình trạng này đã kéo dài cả năm nay rồi. Chúng tôi cũng đã có báo cáo gửi Sở Y tế" - bác sĩ Trần Hùng Cường cho biết.

Vẫn theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, để tháo gỡ khó khăn trên, bệnh viện đã đề xuất Sở Y tế Nam Định và Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho giãn bệnh nhân, điều chuyển đến điều trị tại các cơ sở y tế cấp huyện và các cơ sở y tế khác. 

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, giải pháp này không hiệu quả do “các cơ sở y tế khác không tiếp nhận vì họ cũng đang không có thuốc, vật tư y tế”.

Khu vực chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Ảnh: Bá Dương

Trước tình trạng trên, bác sĩ Trần Hùng Cường cho biết, mấy ngày qua, lãnh đạo bệnh viện liên tục phải họp bàn cách tháo gỡ. 

“Với mục tiêu duy trì hoạt động chạy thận cho 50 bệnh nhân trên, chúng tôi quyết định dừng các hoạt động mua sắm khác, ưu tiên kinh phí cho các gói mua sắm dưới 100 triệu đồng để có thuốc, vật tư y tế phục vụ bệnh nhân thận. Còn Bảo hiểm Xã hội xuất toán thế nào đó là việc của cơ quan bảo hiểm” - Giám đốc Bệnh viên Đa khoa tỉnh Nam Định nói.

Vẫn theo bác sĩ Trần Hùng Cường, phải hơn 2 tháng nữa, bệnh viện mới có được gói thầu mua sắm mới. Từ nay đến đó là khoảng thời gian căng thẳng, rất khó để cầm cự.

Mặc dù đang trong tình trạng căng thẳng, cấp bách vì cạn thuốc, vật tư y tế phục vụ 50 bệnh nhân chạy thận, mỗi bệnh nhân chạy 2 - 3/lần/tuần nhưng ông Cường khẳng định: “Bệnh viện sẽ làm hết sức mình, dù thế nào cũng không để một bệnh nhân nào trong số các bệnh nhân trên phải dừng chạy thận”.

Khi PV Lao Động một lần nữa liên hệ lại với bệnh nhân Trần Thanh V (ở huyện Vụ Bản) thì ông này một lần nữa khẳng định: "Cách đây mấy ngày, bản thân tôi và các bệnh nhân khác đã được phía bệnh viện thông báo phải tạm dừng chạy thận. Chúng tôi phải về và tự đi tìm chỗ chạy thận khác. Đến nay, tôi đang nằm ở nhà, chưa biết chạy thận được ở đâu, tại sao lại nói rằng chưa ai phải dừng chạy?".

"Chưa hết, trong thời gian chạy thận tại bệnh viện, bệnh nhân chúng tôi phải tự túc đi mua mọi thứ, từ bông gạc, thuốc đến kim tiêm mà không được hỗ trợ bảo hiểm gì" - ông V nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn