MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng mạo danh bệnh viện diễn ra tinh vi. Ảnh: Chụp màn hình

Nạn mạo danh bệnh viện ngày càng diễn ra tinh vi

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 23/03/2022 11:24

Tình trạng mạo danh bệnh viện đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Các đối tượng lừa đảo còn cắt ghép hình ảnh, video về bệnh viện trên các kênh thông tin đại chúng và lồng tiếng quảng cáo cho sản phẩm, hòng tạo niềm tin và kéo người theo dõi trang, từ đó tổ chức kinh doanh các mặt hàng trái phép. 

Bệnh viện phải lên tiếng

Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng mạo danh Fanpage, bác sĩ của bệnh viện để bán hàng thuốc, thực phẩm chức năng, thuốc đông y, dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp, dịch vụ điều trị các bệnh nan y… 

“Sau khi bình luận hoặc nhấn vào dòng chữ nhắn tin, các trang này sẽ tự động nhắn tin tới người dùng dạng chatbot (phần mềm cài đặt trả lời tự động của Facebook). Đồng thời, trang này yêu cầu người dùng cung cấp họ tên, số điện thoại để có thể  được tư vấn trực tiếp hoặc ưu đãi giảm giá dịch vụ, hàng khuyến mại, thực chất đây là hành động lấy thông tin cá nhân của khách hàng” - phía bệnh viện 108 cho biết. 

Trong ngày 22.3, theo khảo sát của PV Báo Lao Động, hàng loạt các fanpage mạo danh bệnh viện 108 vẫn ngang nhiên tồn tại. Trong các trang này liên tục quảng cáo chữa trị các bệnh nan y kèm theo số điện thoại liên hệ để lôi kéo người dân. 

Trên thực tế qua ghi nhận, các trang này thường ở dạng mới được lập nên, chỉ có khoảng vài chục tới vài trăm lượt theo dõi, website và số điện thoại không hề liên quan tới Bệnh viện 108. Những trang này đưa ra các quảng cáo kệch cỡm, cam kết có thể chữa có dứt điểm các bệnh nan y,...

Đáng chú ý, theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, phía bệnh viện đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ do làm ở các cơ sở mạo danh bệnh viện. 

Đây không phải lần đầu tiên, nạn mạo danh bệnh viện diễn ra. Trước đó, một cơ sở thẩm mỹ lấy tên “Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội” (địa chỉ tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thực hiện các dịch vụ xâm lấn, gây chảy máu. Nhiều nạn nhân sau khi tiến hành làm các phẫu thuật ở cơ sở mạo danh đã rơi vào tình trạng “tiền mất tật mạng", gặp những biến chứng dai dẳng phải tới ngay bệnh viện để cứu chữa. Sau đó, UBND quận Nam Từ Liêm đã kiểm tra đột xuất và phát hiện cơ sở này thực hiện dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn gây chảy máu, không đúng với ngành nghề đã đăng ký. Cơ quan chức năng đã xử phạt khung cao nhất 50 triệu đồng và thu hồi đăng ký kinh doanh.

Cần phải xử lý nghiêm

Trao đổi với PV, Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, thực trạng mạo danh bệnh viện để trục lợi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu, uy tín của bệnh viện. Nghiêm trọng hơn còn gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân.

Theo chuyên gia pháp lý, hành vi trên đã vi phạm điều cấm được quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động công nghệ thông tin; giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác và vi phạm điểm n, khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ. Tùy thuộc vào tính chất, hậu quả gây ra, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Đồng thời, hành vi đó cũng vi phạm điều cấm tại điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 về việc sử dụng không gian mạng để đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Ngoài ra, nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì chủ thể vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông".

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc sử dụng, lợi dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y tế, cán bộ y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng là hành vi bị nghiêm cấm. Cục đã  xử phạt một số cơ sở sử dụng hình ảnh của nhân viên y tế để quảng cáo, thổi phồng công dụng của sản phẩm theo quy định. Thậm chí, rút giấy phép đối với các sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật. 

Phía Thanh tra Bộ Y tế cho biết, các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Do đó, tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ để bán thuốc trên mạng xã hội đều là giả mạo. Ngành Y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn