MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra hoạt động của một trạm y tế xã tháng 5.2018. Ảnh: T.Linh

Nâng cao chất lượng y tế cơ sở: Còn nhiều thách thức

T.Linh LDO | 28/12/2018 21:29

Năm 2018, Bộ Y tế triển khai đề án thí điểm trạm y tế (TYT) xã tại 26 xã điểm thuộc 8 tỉnh, thành phố. Qua thời gian triển khai, đại diện Bộ Y tế cho biết, hiện có 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Yên Bái có đủ bác sĩ tại các TYT.

Tại hội nghị trực tuyến về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở vừa qua, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết, thực trạng quản lý bệnh không lây nhiễm tại TYT xã theo nguyên lý y học gia đình vẫn còn khoảng trống quản lý điều trị rất lớn.

Theo đó, hiện nay, chỉ có 13/26 TYT xã (44,8%) có đủ nhân lực theo quy định. Chức danh hiện còn thiếu nhiều nhất tại các TYT xã là y học cổ truyền với 9/16 xã, chiếm 56,3%... Tỷ lệ các TYT xã còn thiếu bác sỹ còn khá cao, gần 30% TYT không có bác sĩ.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, để y tế cơ sở phát huy vai trò là người "gác cổng" cho sức khỏe người dân tại tuyến đầu, Bộ Y tế đang thực hiện cập nhật tài liệu chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quy trình kỹ thuật áp dụng tại TYT xã.

Ông Khuê cũng cho biết, hiện Bộ Y tế đang đầu tư trang thiết bị phù hợp với năng lực chuyên môn của TYT xã, bảo đảm cung cấp dịch vụ xét nghiệm cơ bản, đáp ứng các bệnh thông thường tại xã theo gói dịch vụ y tế cơ bản, đặc biệt là bệnh không lây nhiễm; Tăng cường tiếp cận thuốc thiết yếu cho TYT xã, đào tạo cập nhật kiến thức cho TYT xã, hỗ trợ kỹ thuật từ xa và luân phiên đưa bác sĩ từ huyện về xã và từ xã lên tuyến trên để bảo đảm tăng cường năng lực khám chữa bệnh tại xã.

“Bộ tiến tới nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh, xây dựng hồ sơ sức khỏe cá nhân và đánh giá sự hài lòng của người bệnh với dịch vụ khám chữa bệnh tại xã”, ông Lương Ngọc Khuê nói.

Đơn cử như tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế, Hà Nội có 4 trạm y tế: xã Minh Châu huyện Ba Vì (vùng 3), xã Tân Hội huyện Đan Phượng (vùng 2), phường Tây Mỗ quận Bắc Từ Liêm (vùng 1), phường Yên Nghĩa quận Hà Đông (vùng 1) nằm trong 26 trạm y tế xã điểm mà Bộ Y tế lựa chọn triển khai phát triển y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình. 

Các TYT đã tích cực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh thực hiện tốt các chương trình y tế, thu hút người dân đến khám chữa bệnh.... Các TYT đã được nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, được phê duyệt danh mục kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế cơ bản theo quy định.

Theo đánh giá chung, các TYT đã thu hút nhiều hơn số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại trạm y tế, bệnh nhân tin tưởng hơn về chuyên môn của trạm y tế. Bước đầu, những trạm này đã quản lý được hồ sơ sức khỏe cá nhân và quản lý bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường; giảm chi phí khám chữa bệnh cho người dân đến khám tại trạm y tế điểm.

Theo nhận định của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, mô hình TYT điểm theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn thành phố gặp một số khó khăn như nhân lực bác sỹ và trình độ chuyên môn còn hạn chế; kinh phí sửa chữa nâng cấp TYT xuống cấp chưa đáp ứng; tỷ lệ người dân đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại TYT còn thấp; phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe chưa hoàn thiện.

Do đó, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, các TYT này cần tiếp tục tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng chuyên môn; tăng cường sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến Trung ương và thành phố hỗ trợ tại trạm; thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn gồm gói dịch vụ y tế cơ bản, quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý hồ sơ sức khỏe... 

Năm 2019, ngành y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tăng cường y tế cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn