MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhi được bác sĩ siêu âm bụng. Ảnh: P.LAN

Nắng nóng khiến nhiều trẻ nhập bệnh viện vì bệnh tiêu hóa

NGUYỄN LY LDO | 21/03/2024 19:51

TPHCM - Thời tiết các tỉnh Nam Bộ nắng gắt 37-38 độ liên tục thời gian qua, khiến bệnh lý tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp, ngộ độc… có xu hướng tăng.

Bệnh nhi H.K.T (3 tuổi, tỉnh Bến Tre) bị sốt cao, đi ngoài phân nhầy, người mệt lả, lừ đừ được gia đình đưa đến TPHCM khám trong tình trạng sốt cao 40 độ, tiêu lỏng 9 lần/ngày. Lo lắng cho tình trạng bệnh của con, người nhà đã nhanh chóng đưa bệnh nhi nhập viện.

Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bé nhiễm trùng đường ruột phải nhập viện điều trị. Bé được gia đình đưa đến viện sau 3 ngày có triệu chứng bệnh, song diễn tiến nặng, từ nhiễm trùng đường tiêu hóa dẫn đến nhiễm trùng máu, phải điều trị kháng sinh kéo dài.

BS.CKI Lâm Bội Hy - Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM - cho biết, các bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn như e.coli, campylobacter, listeria, salmonella, botulinum… gây ra. Chúng có đặc điểm chung phát triển mạnh trong môi trường có nhiệt độ từ 5-60 độ C. Thời tiết nóng khiến thực phẩm ôi thiu, hư hỏng nếu không bảo quản đúng cách. Nếu trẻ tiêu thụ thức ăn ôi thiu, vi khuẩn dễ tấn công hệ tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa, nặng hơn là ngộ độc.

“Nhiễm trùng đường tiêu hóa chủ yếu lây qua đường ăn uống. Các sinh vật gồm nấm men, vi khuẩn, hoặc ký sinh trùng tấn công cơ thể gây nhiễm trùng đường ruột, dễ biến chứng nhiễm trùng máu”, bác sĩ Bội Hy nói.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, mỗi ngày có cả nghìn lượt bệnh nhi tới bệnh viện khám. Trong đó, có không ít bệnh nhi mắc các bệnh về đường tiêu hoá như: tiêu chảy, nhiễm các loại vi khuẩn trong quá trình chơi, ăn uống…

Theo BS.CK2 Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2, biểu hiện của ngộ độc thực phẩm đa dạng, thường gặp nhất là các triệu chứng tiêu hóa như: nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, sốt… hoặc các cơ quan khác như gan, thận, thần kinh, tim mạch… Tùy theo loại ngộ độc mà biểu hiện bệnh có thể xuất hiện ngay sau ăn hoặc sau vài giờ đến 1-2 ngày.

Nếu trẻ chỉ nôn ói, tiêu lỏng 1-2 lần, không có dấu hiệu khác, bé vẫn tiếp tục sinh hoạt, ăn uống bình thường thì phụ huynh có thể tự theo dõi, chia nhỏ bữa ăn, uống thêm nước, không tự ý dùng các chất gây nôn.

Nếu trẻ nôn ói nhiều, không ăn uống được, phân có máu, hoặc có các dấu hiệu khác như: sốt cao khó hạ, co giật, li bì, mệt thì phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để kịp thời thăm khám.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn