MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nắng nóng, nhiều người lao động sốc nhiệt, đột quỵ

Minh Ánh LDO | 03/06/2023 10:18

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, mới đây liên tục tiếp nhận các ca bệnh là người lao động bị sốc nhiệt, đột quỵ do thời tiết nắng nóng gay gắt.

Bệnh nhân V.V.C (55 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng có biểu hiện đột quỵ, khó nói, méo miệng. Tuy nhiên, rất may ông được đi cấp cứu trong thời gian vàng. 

Qua khai thác được biết, bệnh nhân C là bảo vệ nên ông thường xuyên phải làm việc ngoài trời. Do thời tiết nắng nóng nên bệnh nhân bị kiệt sức, người uể oải và ngã quỵ. 

Theo BSCKI Nguyễn Văn Học - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, do được cấp cứu trong thời gian vàng và sử dụng thuốc tiêu huyết sớm nên bệnh nhân C nhanh chóng hồi phục và đã có thể ra viện. 

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng may mắn như trường hợp của ông C. Theo bác sĩ Học, cũng có nhiều bệnh nhân bị đột quỵ do nắng nóng nhưng nhập viện muộn, khiến việc hồi phục trở nên khó khăn hơn.

Ông T (Gia Lâm, Hà Nội) là bệnh nhân nhập viện muộn khi đã qua giờ vàng để cấp cứu đột quỵ, vì vậy ông T không thể dùng thuốc tiêu huyết.

Được biết, ông T là thợ xây. Khi đang làm việc trên giàn giáo, ông T bất ngờ cảm thấy xây xẩm mặt mặt và được mọi người dìu về nhà để nghỉ ngơi. 

Ông T bị đột quỵ nhưng do bỏ lỡ giờ vàng nhập viện nên việc hồi phục chậm hơn bệnh nhân khác. Ảnh: Minh Ánh 

Bà Vũ Thị Tuyết - vợ ông T - cho biết: Thời điểm ông T có biểu hiện đột quỵ nhưng không ai phát hiện vì sau khi nghỉ ngơi, ông T không còn triệu chứng đó và có thể tiếp tục đi làm. Tuy nhiên, đến hôm sau, ông T xuất hiện triệu chứng khó nói, méo miệng và chảy nước miếng không kiểm soát nên gia đình đã ngay lập tức cho ông đi cấp cứu.

Theo các bác sĩ, bệnh đột quỵ có thể diễn ra quanh năm. Khoảng 20 năm trước, bệnh đột quỵ thường diễn ra vào mùa đông, nhưng những năm gần đây, căn bệnh này thường bắt gặp nhiều vào mùa hè khi thời tiết nóng hơn 40 độ C. 

"Nắng nóng gây cơ thể mất nước, muối nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu, từ đó tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ" - bác sĩ Học cho hay.

Say nắng và sốc nhiệt đều dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt và triệu chứng tổn thương thần kinh trung ương. Triệu chứng kinh điển của tình trạng này là tăng thân nhiệt trên 40 độ C và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp. Trong đó, những người có bệnh lý nền thường có nguy cơ gặp phải hậu quả nghiêm trọng hơn.

Cụ thể các triệu chứng điển hình như sau:

Các bác sĩ khuyến cáo, những đối tượng có nguy cơ cao cần hết sức lưu ý vấn đề sức khoẻ trong những ngày nắng nóng gay gắt, đặc biệt là những người lao động lớn tuổi đang phải làm việc ngoài trời. 

Những người có nguy cơ cao bao gồm người cao tuổi, người có bệnh lý nền là tăng huyết áp, tiểu đường...

Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường trong thời điểm nắng nóng gay gắt nhất. Nếu bắt buộc phải ra ngoài thì nên trang bị đầy đủ mũ nón, áo chống nắng... Đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời nên bổ sung nước, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, tránh để cơ thể bị mất nước .

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn