MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân bị mụn trứng cá đỏ. Ảnh: Bệnh viện Da liễu TPHCM

Ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh trứng cá đỏ

NGUYỄN LY LDO | 13/09/2024 17:41

TPHCM - Bệnh trứng cá đỏ thường bị nhầm lẫn với tình trạng mụn trứng cá, nếu không chẩn đoán đúng ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mĩ.

Dù đã 34 tuổi, chị Phạm Hoàng Lan (TP Thủ Đức, TPHCM) vẫn không thể sử dụng bất kỳ loại mĩ phẩm nào trên da, kể cả những loại được quảng cáo là “thuần chay” và không gây kích ứng cho da nhạy cảm.

Sau khi sinh con, da mặt của chị càng trở nên nhạy cảm hơn, thường xuyên bị đỏ ửng, nóng rát và khó chịu. “Tôi rất muốn dưỡng da để cải thiện tình trạng lão hóa, nhưng cứ dùng đến loại mỹ phẩm nào là bị kích ứng với loại đó", chị Hoàng Lan chia sẻ.

Liên quan đến những triệu chứng trên, ThS.BS Ngô Anh Tuấn, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết: "Đối với đa số người dân, bệnh trứng cá đỏ còn khá xa lạ. Tên gọi của bệnh này có thể khiến người ta hiểu nhầm rằng nó liên quan đến mụn trứng cá kèm tình trạng đỏ da.

Tuy nhiên, đây là bệnh lý viêm da mạn tính, không liên quan đến mụn trứng cá mà chúng ta thường nghĩ tới. Trong bệnh trứng cá đỏ, các mạch máu trên da của người bệnh xuất hiện những bất thường, như giãn mạch và giải phóng các hoạt chất kích hoạt thần kinh, gây ra các cảm giác dị cảm trên da. Bệnh có nhiều thể khác nhau".

Bệnh trứng cá đỏ thường được nghiên cứu ở những bệnh nhân có nền da trắng hoặc người dân ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy người châu Á và châu Phi cũng đang gặp tình trạng trứng cá đỏ ngày càng gia tăng.

"Việc phát hiện nhiều hơn này có thể là do kỹ thuật chẩn đoán bệnh trong ngành da liễu phát triển, giúp tỷ lệ chẩn đoán bệnh trứng cá đỏ gần như bằng nhau giữa các chủng tộc", bác sĩ Anh Tuấn chia sẻ.

Nguyên nhân của bệnh được cho là do những bất thường về gen; người mắc trứng cá đỏ thường có những rối loạn trên da. Trứng cá đỏ còn liên quan đến một loài vi khuẩn thường trú trên da là Demodex, vi khuẩn mà ai cũng có. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh, vi khuẩn Demodex hoạt động quá mức, gây ra bệnh.

Nữ giới sau khoảng 30 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh này, thường gặp ở độ tuổi từ 40-50. Bệnh trứng cá đỏ có nhiều thể khác nhau, mỗi thể bệnh đều có đặc trưng riêng, và điều quan trọng là một người có thể mắc nhiều thể cùng lúc.

Trong các thể của bệnh trứng cá đỏ, thể thường gặp nhất là thể sẩn mụn mủ. Người mắc thể này thường dễ nhầm lẫn với mụn trứng cá; các sẩn mụn mủ thường mọc li ti, sưng viêm ở các vùng trung tâm trên mặt và để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ.

“Ở những bệnh nhân mắc trứng cá đỏ, đây không phải là bệnh lý do tắc nghẽn tuyến bã nhờn, mà nguyên nhân là do viêm mạn tính và rối loạn tế bào miễn dịch, nên các sẩn mụn mủ này không có ở nang lông và không có nhân mụn ẩn”, bác sĩ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, còn có thể gặp các triệu chứng khác như hồng ban, đỏ da... Mỗi thể bệnh đều có triệu chứng khác nhau, cần được bác sĩ chẩn đoán chính xác. Nếu thể sẩn mụn mủ không được điều trị kịp thời, có thể để lại sẹo mất thẩm mỹ; còn thể hồng ban có thể gây ngứa, kích ứng và khó chịu. Bệnh nhân mắc thể hồng ban thường có làn da nhạy cảm, nếu không được điều trị đúng cách sẽ khó cải thiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn